Xe

Tín đồ các tôn giáo đều có tinh thần yêu nước

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
09/08/2019 17:56 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 9.8, tại TP.Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tôn giáo đã góp phần bồi đắp và làm phong phú các giá trị truyền thống

Báo cáo tại buổi gặp mặt, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, tính đến tháng 8.2019, nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ; gần 56.000 chức sắc, 145.721 chức việc, 29.396 cơ sở thờ tự tôn giáo; khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Theo đánh giá, các tôn giáo đã tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôn giáo đã góp phần bồi đắp và làm phong phú các giá trị truyền thống, văn hóa, nhân văn, hướng thiện, có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội; thông qua giáo lý khuyên răn con người hướng thiện, bác ái, góp phần điều chỉnh hành vi con người.

Nhiều khu dân cư tôn giáo là điểm sáng về phòng chống tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội… Đường lối phương châm hành động có khác nhau, nhưng các tôn giáo đã chung một định hướng là sống tốt đời đẹp đạo, gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc với đất nước.

Các chuẩn mực đạo đức tích cực, nhân bản của tôn giáo đã dung nạp vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử nhân văn, nhân ái của dân tộc ta

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tín đồ các tôn giáo đều có tinh thần yêu nước

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đều có tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó với dân tộc, thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

Với những giáo lý nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo ở Việt Nam đã cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, cứu người, giúp đời, chung tay cùng đồng bào tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

“Các chuẩn mực đạo đức tích cực, nhân bản của tôn giáo đã dung nạp vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử nhân văn, nhân ái của dân tộc ta, như Bác Hồ từng nói: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái, Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi, Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp với các chức sắc, chức việc tôn giáo

Ảnh: Hoàng Sơn

Vẫn còn một số hiện tượng tà đạo, mê tín dị đoan, trục lợi, trái thuần phong mỹ tục

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn, khách quan nhìn nhận hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức.
Cụ thể, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, cơ chế, chính sách vẫn còn chồng chéo và có bất cập. Việc triển khai thực hiện một số nội dung của luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn lúng túng, thiếu thống nhất trong xử lý. Chưa khơi thông và phát huy hết nguồn lực của tôn giáo để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước…

Trong đời sống xã hội vẫn còn một số hiện tượng tín ngưỡng mới, tà đạo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, tiền bạc của người dân; đâu đó vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị và mong muốn chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước giàu mạnh…

“Không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi gây bức xúc trong xã hội, chia rẻ nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.