Trên báo in Thanh Niên ngày mai 6.3.2020 có những tin tức giáo dục đặc biệt: Chọn học khối ngành năng khiếu có thật sự cần năng khiếu? Vì sao nhu cầu nhân lực khối ngành kỹ thuật rất cao nhưng học sinh không quan tâm?
Không học giỏi vẽ vẫn có thể trở thành nhà thiết kế, kiến trúc sư?
Đạo diễn-thạc sĩ Trịnh Đình Lê Minh, Trưởng bộ môn Quản trị công nghệ truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho biết các ngành thiết kế và nghệ thuật của trường ngoài các phương thức tuyển sinh chung còn có phương thức tuyển riêng theo yêu cầu của ngành. “Trong đó, chúng tôi không yêu cầu điểm đầu vào môn vẽ với ngành này vì 2 năm trước chúng tôi nghiệm ra sinh viên không nhất thiết phải có khả năng này trước đó. Thay vào đó chỉ cần thể hiện sự quan tâm đặc biệt và niềm đam mê về thiết kế”, đạo diễn Lê Minh chia sẻ.
“Nhiều trường ĐH trên thế giới như Mỹ cũng không tổ chức kỳ thi vẽ mà có thể dựa vào điểm một kỳ thi độc lập, điểm học phổ thông, thư bày tỏ nguyện vọng hoặc một hồ sơ thể hiện năng khiếu bản thân người dự tuyển…”, đạo diễn này nói.
Nhà thiết kế Võ Thị Thu Hằng, giảng viên chuyên ngành thiết kế thời trang Trường CĐ Việt Mỹ, cho rằng thực tế trong môi trường làm việc của một nhà thiết kế chuyên nghiệp, vẽ chỉ là bước đầu. Để hiện thực hóa sản phẩm, sản xuất và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn một quá trình dài.
Tuy nhiên, theo nhà thiết kế Thu Hằng, nói vậy không phải đánh giá thấp tầm quan trọng của năng khiếu, kỹ năng vẽ với ngành nghề này. Quan trọng của kỹ năng vẽ là giao tiếp được với người khác thông qua hình ảnh mình vẽ ra.
“Điều quan trọng nhất khi theo đuổi nhóm ngành thiết kế không hẳn là đam mê mà chính là sự tò mò. Khi bạn sở hữu trong mình sự tò này, luôn có những câu hỏi làm sao tạo ra những sản phẩm như vậy, thì hãy mạnh dạn theo đuổi ngành học này”, nhà thiết kế Thu Hằng nhấn mạnh.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia khác lại cho rằng học các khối ngành đặc thù này "không phải ai muốn học cũng được", cần phải có năng khiếu…
Để biết thêm chi tiết, đón đọc tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai 6.3.
|
Khối ngành kỹ thuật khát nhân lực
Theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, kỹ thuật là khối ngành hiện đang rất khát nhân lực, không chỉ bậc ĐH và cả CĐ, TC. Khảo sát giai đoạn 2020-2025 của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, nhóm ngành kỹ thuật cần đến 35% nhu cầu nhân lực xã hội.
Tuy nhiên sinh viên theo học các ngành này rất ít, đặc biệt thấp so với nhóm ngành kinh tế. Nguyên nhân của việc ít người lựa chọn này bởi các ngành này học khó hơn.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết tại trường, tỷ lệ chọi các ngành này chỉ 1-2 thí sinh/ chỉ tiêu và điểm trúng tuyển các năm gần đây trong khoảng từ sàn hoặc cao hơn sàn không nhiều. Thí sinh trúng tuyển khối ngành này tỷ lệ nhập học cũng không cao so với các ngành nghề khác.
“Tôi khuyên các thí sinh nam nên “đi đầu” khối ngành kỹ thuật dù cho các ngành này hiện không phân biệt nam nữ theo học. Thực tế hiện nay tỷ lệ nữ giới theo học các ngành chiếm khoảng 15-20% sinh viên. Các ngành kỹ thuật hiện đang có rất nhiều ưu điểm với người học như: điểm chuẩn chỉ cần bằng sàn, chi phí trường đầu tư lớn, học phí vẫn thấp hơn các ngành khác, ra trường đảm bảo có việc làm”, thạc sĩ Tuấn phân tích.
Những nội dung này sẽ có trong các tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai
Bình luận (0)