Nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ: Thị trường 'khát' lao động nhưng sinh viên ít

Quý Hiên
Quý Hiên
25/10/2019 08:10 GMT+7

Hôm qua, 24.10, tại Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (TSC), Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trình độ ĐH nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 tại VN.

Tại hội thảo, TS Trần Sâm, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cung cấp thông tin: năm 2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ ĐH là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, máy tính, CNTT, khoa học xã hội và hành vi, pháp luật. Trong vài năm học gần đây, xu thế số lượng và tỷ lệ số ngành đào tạo trình độ ĐH theo các nhóm ngành lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ tăng. Nếu như năm học 2016 - 2017 cả nước có 985 lượt ngành (tổng số cả nước có 3.306 lượt ngành), thì năm học 2017 - 2018 đã tăng lên thành 1.471 lượt ngành.
TS Sâm nói: “Theo số liệu từ mùa tuyển sinh 2019, những ngành được xem là 'nóng' nhất bao gồm nhóm ngành CNTT (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng), CNTT trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác; công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu); các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học); nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, du lịch, dịch vụ, dinh dưỡng; nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (như kiến trúc, thiết kế, dịch thuật)”.
Ông Trần Phương, Phòng Nghiên cứu và dự báo của TSC, cũng cho biết qua khảo sát trực tiếp từ cơ sở đào tạo và từ phía thị trường lao động cho thấy, thị trường đang có dấu hiệu “khát” nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ. Tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này trong vòng 3 năm trở lại đây thường rất cao (trên 90%). Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là số sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ còn thấp. PGS Nguyễn Việt Hà, Trường ĐH Mỏ - địa chất cũng nêu thực tế là các trường kỹ thuật hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.
Theo TS Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội), cuộc cách mạng 4.0 tạo ra cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho các trường đào tạo lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ. Nhu cầu của thị trường lao động thay đổi, thậm chí bị phá vỡ, thì cách đào tạo truyền thống sẽ không đáp ứng được. Các trường không thể dự đoán được kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai, do công nghệ thay đổi quá nhanh. Vì thế, mục tiêu đào tạo là phải đào tạo con người có tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống để người học có thể tự học, có khả năng thích nghi với các thách thức, các yêu cầu công việc mang tính liên ngành và thường xuyên thay đổi, chứ không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho người học. “Thị trường lao động hiện nay và sắp tới sẽ phân hóa theo 2 nhóm: nhóm kỹ năng thấp, được trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao, được trả lương cao. Các trường ĐH muốn tuyển sinh tốt thì phải đáp ứng gia tăng nhu cầu lao động có hàm lượng chấp xám cao, để tạo ra giá trị thặng dư lớn”, TS Thực chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.