Đài CNBC ngày 30.8 dẫn nguồn giấu tên cho biết giới tình báo Mỹ cho rằng vụ nổ ở vùng biển phía bắc Nga hôm 8.8 không xảy ra trong lúc thử nghiệm vũ khí mới mà là trong lúc trục vớt một quả tên lửa bị rơi xuống đáy biển trước đó.
Vụ nổ xảy ra tại bãi thử quân sự trên biển tại địa bàn tỉnh Archangelsk ở phía bắc Nga, khiến ít nhất 5 nhà khoa học thiệt mạng.
Nhà chức trách Nga xác nhận sự cố phát sinh khi các chuyên gia của Cơ quan hạt nhân Nga (Rosatom) đang thử nghiệm “nguồn năng lượng hạt nhân của một tên lửa” nhưng không nói rõ chi tiết. Giới chuyên gia Mỹ cho rằng vụ việc có liên quan đến tên lửa hành trình sử dụng nhiên liệu hạt nhân 9M730 Burevestnik, được NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall.
Ông Aleksey Karpov, phó đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) ngày 26.8 cho biết vụ nổ liên quan đến quá trình phát triển vũ khí nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, theo báo cáo của tình báo Mỹ, tai nạn xảy ra trong lúc phía Nga đang trục vớt một tên lửa bị đánh rơi trong lần thử trước đó. “Có một vụ nổ trên một trong số các tàu tham gia nhiệm vụ trục vớt và khiến phần lõi hạt nhân của tên lửa phản ứng, dẫn đến rò rỉ phóng xạ”, nguồn tin nói với CNBC và cho biết thêm rằng báo cáo không nhắc đến nguy cơ về môi trường cũng như sức khỏe sau vụ nổ.
Trước đó, phía Nga bị cho là đánh rơi một tên lửa sử dụng năng lượng hạt nhân trong cuộc thử nghiệm thất bại vào cuối năm 2017 ở biển Barents và đã lên kế hoạch trục vớt hồi năm 2018 với khoảng 3 tàu tham gia, “một trong số đó được trang bị thiết bị để xử lý vật liệu phóng xạ”.
Hiện chưa rõ tên lửa bị đánh rơi có phải là loại tên lửa bội siêu thanh Burevestnik được Tổng thống Vladimir Putin công bố hồi tháng 3.2018 hay không. Theo nhà lãnh đạo, tên lửa này "có tầm bắn không giới hạn" nhờ vào nguồn nhiên liệu hạt nhân.
Tuy nhiên, báo cáo tình báo Mỹ nói rằng Nga vẫn chưa thử nghiệm thành công vũ khí này sau nhiều lần phóng. Theo đó, từ tháng 11.2017 đến tháng 2.2018, Nga phóng thử 4 lần và đều thất bại, các tên lửa rơi xuống biển sau mỗi lần phóng. Đến năm 2019, Moscow tiếp tục phóng thêm một lần nữa.
Phía Mỹ cho hay trong thử nghiệm thành công nhất, Burevestnik cũng chỉ bay được hơn 2 phút, xa khoảng 35 km rồi mất kiểm soát và rơi xuống. Moscow được cho là chỉ tính sản xuất Burevestnik với số lượng ít vì chi phí tốn kém và độ thành công chưa được kiểm chứng.
Bình luận (0)