Tối 10.11, bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) khi tiến sát gần bờ biển từ Bình Định đến Khánh Hòa đã suy yếu. Tuy nhiên, những ngày trước đó, bão số 6 diễn biến phức tạp với cấp độ nguy hiểm trên Biển Đông.
Trong khoảng thời gian bão số 6 di chuyển trên Biển Đông, có hàng trăm ngư dân Quảng Ngãi đang hành nghề đánh bắt hải sản trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6. Và họ đã đón nhận những tình cảm nồng hậu của lực lượng chức năng nước bạn khi trú bão ở Philippines.
Đặc thù nghề câu mực khơi xa
Tàu QNg - 90594 TS do ngư dân Bùi Đức Thanh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng và nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam chòng chành giữa sóng gió trong bão số 6 trên Biển Đông. Trên đường về đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa của Việt Nam tránh trú bão, thì các tàu gặp dòng hải lưu chảy ngược, đe dọa đến an toàn tàu thuyền và tính mạng ngư dân. Vì vậy, các ngư dân quyết định hải trình về vịnh Subic, cập vào đảo Olongapo của Philippines tránh trú bão.
Sáng 6.11, trước mũi đoàn tàu câu mực của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi hiện ra một dải đất mờ nhạt. Màn hình định vị Hayang hiển thị tọa độ vùng đất lạ mà những con tàu này sẽ đến là vịnh Subic, một vùng đất nằm về hướng tây nam của tỉnh Zambales của Philippines, cách vịnh Malina 55 km về hướng tây bắc.
Theo lời kể của các ngư dân, đoàn tàu đi đến đâu thì lập tức thông báo cho nhiều chiếc tàu trong tốp đang chạy tránh bão. Gió trên biển thổi ầm ầm, nhưng khi đoàn tàu đi vào khu vực vịnh Subic, thì như đi vào một lá chắn từ hướng đông và biển rất lặng sóng.
Các ngư dân trên đoàn tàu này từng nhiều lần chạy tránh bão và dạt vào vùng San Antonio, Botolan, Masinloc nằm về phía bờ tây của Philippines, nhưng đây là lần đầu tiên họ dạt đến một vùng biển đầy choáng ngợp, biển ăn sâu vào đất liền, những chiếc tàu hiện đại xuôi ngược.
Trong tài liệu, vịnh Subic rộng khoảng 6,5 km2, sâu 15 km. Hiện nay vịnh Subic là nơi Mỹ đang đặt căn cứ hải quân. Trước đó từ năm 1860, Tây Ban Nha cũng thiết lập căn cứ tại Subic để kiểm soát tuyến đường hàng hải trên Biển Đông.
|
Hành trình giữa trùng khơi chạy về phía Philippines của đoàn tàu bắt đầu từ chiều ngày 4.11. Trước đó đoàn tàu câu mực của ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt hải sản ở khu vực đảo Song Tử Tây. Bão số 5 thì chạy né bão, bão tan thì tiếp tục bám biển để câu mực. Có những tàu trong đoàn tàu đã hành nghề trên biển khoảng 2 tháng.
Qua máy Icom, ngày nào các ngư dân cũng điện về gia đình ở đất liền hỏi giá mực. Khi biết giá mực chỉ còn 120.000 đồng (trước đó có thời điểm từ 180.000 – 210.000 đồng/kg), các ngư dân quyết định kéo dài cuộc rong ruổi trên biển để câu phiên mực cuối cùng của năm 2019.
Nghề câu mực khơi xa có đặc thù, là biển càng gió thì mực càng nhiều. Có đêm mỗi tàu câu được khoảng 15 đến 20 tấn mực tươi.
|
Bất trắc và gian truân giữa biển cả mênh mông
Trước đó, những ngày sắp có bão số 6, Biển Đông xuất hiện nhiều cơn giông, buổi chiều xuất hiện vòi rồng đen kịt hút nước từ phía đường chân trời.
Tàu cá QNg - 90594 TS của thuyền trưởng Bùi Đức Thanh cứ đêm xuống thì thả 47 chiếc thúng, 47 ngư dân tự rời thuyền mẹ để chèo chống đi câu mực xuyên đêm.
Nghề câu mực khơi xa nhiều rủi ro, bất trắc. Có những trường hợp mãi nằm lại khơi xa vì gặp bất trắc trước sóng to, gió lớn. Hiện nay mỗi chiếc thúng đều trang bị 1 chiếc máy bộ đàm Galaxy 1 băng, nên thuyền trưởng ngồi trực ở tàu mẹ có thể kiểm soát được toàn bộ đàn thúng “đi ăn đêm” giữa biển cả mênh mông.
Mực là loại sinh vật rất "thích" gió bão. Sắp có bão thì mực nổi đỏ mặt nước. Khi bão số 5 đi qua và bão số 6 đang tràn vào, sóng biển nhấp nhô và mực lại đỏ rượng khắp mặt biển Trường Sa. Cứ mỗi sáng tinh mơ, các ngư dân điện đàm nói chuyện và đều phấn khởi với thành tích cả tàu câu 1 đêm được 15 - 20 tấn mực tươi. Mực được xẻ phơi khô trên giàn và cứ 4 kg mực tươi sẽ thành 1 kg mực khô để dồn bao, nhét xuống hầm tàu để về đất liền tiêu thụ.
Khi có tin sắp có bão số 6, các tàu câu mực tăng cường độ kết nối thông tin để chia sẻ tình hình, đồng thời xích lại gần nhau để khi có sự cố thì ứng cứu, hoặc cùng nhau "chạy bão" trên biển. Trong 2 ngày cuối cùng trước khi chạy về vịnh Subic, ngư dân cả đoàn tàu “khóc ròng”, vì mực câu lên đang phơi được nửa ngày thì mưa ập xuống. Đêm câu mực, ngày xẻ và phơi mực, nhưng trời đổ mưa thì toàn bộ mấy chục tấn mực đều bị thối rữa, phải lùa xuống biển.
Sáng 4.11, đoàn tàu hội ý “chạy theo hướng nào?”. Thuyền trưởng Bùi Đức Thanh cho biết, lúc đó ngược nước, ngược gió, nếu "chạy bão" về quần đảo Trường Sa thì đối mặt bất trắc vì thời tiết bất lợi. Do vậy, anh em ngư dân quyết định chạy thật nhanh về phía Philippines. Ở giữa biển, mỗi khi ngư dân Việt Nam và Philippines gặp nhau đều giơ ngón cái lên trời để thể hiện “anh em số 1”.
|
Việt Nam - Phillippines "number one!"
Tàu câu mực là những con tàu chở theo giàn phơi mực rất cồng kềnh trên nóc tàu. Mỗi khi biển nổi sóng gió, tàu câu mực thường lắc lư, đu đưa như chiếc võng khiến người mới đi biển yếu tim đều run sợ.
Hai ngày đêm hành trình trên biển, 3 chiếc tàu Quảng Ngãi là QNg - 90594 TS của thuyền trưởng Bùi Đức Thanh, QNg - 90909 của thuyền trưởng Trần Văn Trường, QNg - 95579 TS của thuyền trưởng Phạm Tiến chạy tốp trước. Các tàu cá QNg - 95234 của bà Lê Thị Lành, tàu QNa - 91207 TS của ngư dân Trần Công Thái (quê ở tỉnh Quảng Nam) chạy tốp sau.
Đoàn tàu chạy tốc độ 7 hải lý/giờ, nhưng vì xuôi gió và nước nên được đẩy đi với tốc độ 9,5 hải lý/giờ. Thuyền trưởng của những chiếc tàu này đa phần có thâm niên hơn 20 năm ở khu vực biển quần đảo Trường Sa; vì vậy, tuyến đường tránh bão về hướng tây ở Biển Đông thì ai cũng nắm khá vững.
Các ngư dân Quảng Ngãi khi tránh trú bão ở vịnh Subic điện về Việt Nam kể lại việc họ được người dân Philippines chào đón, được chính quyền thăm hỏi và chia sẻ như người thân. Nơi mà đoàn tàu 5 chiếc đang neo đậu là một hòn đảo nhỏ có tên là Olongapo, vị trí nằm giữa vịnh Subic của Philippines.
Trưa và chiều 6.11, cửa vịnh Subic rộng mênh mông hiện ra trước mũi tàu. Trên màn hình định vị hiện ra một hòn đảo nhỏ có tên là Olongapo. Những nhân viên công lực của Philippines đưa ca nô cao tốc ra cập mạn các tàu cá của ngư dân Việt Nam để kiểm tra giấy tờ, sau đó ra hiệu “Ok, xin mời vào”.
Ngư dân Đặng Phúc Điền từ Olongapo gởi hình ảnh về Việt Nam và kể lại chuyện những người lính Philippines đã dành cho ngư dân nhiều nụ cười.
Ngư dân Việt Nam được tặng quần áo, mỗi tàu cá được hỗ trợ lương thực đủ ăn trong thời gian 3 ngày. Nhiều người dân Philippines giơ tay chào đón và ra hiệu: “Việt Nam - Phillippines number one!”.
Cần nhiên liệu về Việt NamTheo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, có 11 tàu cá, 300 ngư dân đã chạy về phía Philippines xin tránh trú bão số 6 tại các cảng biển.
Ngư dân Bùi Đức Thanh từ Philippines điện về Việt Nam cho biết, các tàu đang cần mua thêm khoảng 7.000 lít dầu để trở về, nhưng do bất đồng về ngôn ngữ và không có ngoại tệ nên hiện nay đang tìm kiếm sự hỗ trợ.
|
Bình luận (0)