Sáng nay, cả nhà mừng…rớt nước mắt khi cô hàng xóm gõ cửa tặng cho 5 ổ bánh mì nóng hổi, thơm lừng, vừa mới ra lò. Cô tên Quế, nhà làm nghề bán xôi và bánh mì đã mấy chục năm. “Lò bánh mì mà cô hay lấy bánh về bán nay làm lại, có người giao nên cô mua ít tặng cho bà con trong xóm”, cô cười nói.
Nhận bánh từ tay cô, nói lời cảm ơn mà muốn khóc vì cái tình và cũng vì gặp lại món ăn quen thuộc ngày thường nhưng đã mấy tháng rồi chưa được nếm lại mùi vị.
Hôm kia, cả xóm cũng nhao nhao khi một cô làm nghề bán bún tặng cho mỗi nhà ít bún tươi và ít bột nấu bánh canh.
|
Ở TP.HCM gần 25 năm, với tôi, tình hàng xóm là điều gì đó quá xa xỉ. Ngày thường, chòm xóm chỉ gật đầu chào nhau, biết nhà đó làm nghề đó, có mấy người, chỉ khi nhà có tang thì mới đến chia buồn, còn lại thì nhà ai nấy ở, chuyện tặng cho nhau món này, thức kia là điều chưa từng xảy ra.
Vậy rồi, từ ngày dịch Covid_19 ập đến, bỗng dưng cái tình hàng xóm trổi dậy. Ban đầu là chia sẻ nhau thông tin về dịch bệnh, về chích vắc xin, xét nghiệm, nhận hỗ trợ…rồi tới hỏi thăm nhau về cái ăn, và bắt đầu chia nhau ít rau, củ quả, và tiếp đến là bánh mì, bún, bánh canh....
Bạn tôi, luật sư Trương Văn Tuấn – Đoàn Luật sư TP.HCM, có cái nhìn thấu đáo hơn về hàng xóm, anh viết: “Zalo đang bật tính năng "Zalo connect". Nhấp thử, thấy quá nhiều tiếng cầu cứu hỗ trợ xung quanh nhà. Định tạo group zalo "hàng xóm" để thăm hỏi, hỗ trợ, nhờ vả nhau mà tìm trong danh bạ có đúng một số điện thoại của một người hàng xóm. Bỗng dưng thấy mình tệ quá, dân quê gốc rạ vô Sài Gòn ở riết cũng mất đi cái tính cộng đồng, hàng xóm, láng giềng.
Nhớ hồi ở quê, mỗi lần nấu canh ngon má hay kêu bưng qua hàng xóm một tô. Nhỏ em gái thì hay chạy qua hàng xóm ăn chực vì nhà bên đó hay nấu thịt heo ăn chớ không có mỗi rau như nhà mình…
Lớn lên, vác ba lô Nam tiến, ở đất Sài Gòn tính ra đã gần 25 năm. Hồn quê hoài nhớ mà hàng xóm nơi mình ở thì chẳng thân thiết được mấy người. Sài Gòn đang cơn dầu sôi lửa bỏng mà hàng xóm quanh nhà vẫn chưa kết nối, nghĩ thấy mình tệ.
Nào có mất mát chi đâu, hỗ trợ nhau ít hành ngò, rau xanh, chanh sả; cắt cho vài cành lá chanh xông giải cảm hay phòng ngừa cô vít. Khổ quá chia nhau vài lon gạo, ít thuốc phòng bệnh. Đừng viện cớ lây lan, thiếu gì cách. Cho nhau số điện thoại, gọi nhau khi cần, mỗi sáng thức dậy ới nhau xem ai còn ai mất, ai F0, ai F1 cũng là cách tạo niềm vui, động viên nhau mà chống dịch... Cho đi là còn mãi, khó khăn chi lúc này. Biết đâu ngày mai, muốn cho nhau cũng chẳng còn cơ hội.
Hôm kia, chạy xe ngang nhà chú Tư tổ trưởng, nhà chú có 5 người F0 đã được chuyển hết đi bệnh viện. Thấy chú ngồi ăn một mình, buồn hiu. Dừng xe cách xa 8 thước ới tiếng " Giữ sức khoẻ nha chú Tư". Có vậy thôi mà ổng quệt nước mắt trời. Chắc lâu rồi chưa ai hỏi thăm, toàn chỉ trỏ, kỳ thị.
Làm gì đi, Tuấn. Sống tệ lâu quá rồi!”
Nói là làm, Tuấn tạo group zalo “Hàng Xóm” và bắt đầu mua thực phẩm, rau xanh tặng 20 nhà hàng xóm. Ai mở cửa thì Tuấn trao đổi vài câu, ai chưa mở cửa thì anh treo quà trên cửa và nhắn tin trên group.
|
Vậy rồi, “Group hàng xóm” của Tuấn lại lan tỏa mạnh và nhanh đến chóng mặt, ai có gì thì chia nhau cái đó, cứ thế, cả xóm san sẻ nhau thực phẩm và cả thuốc men, và quan trọng hơn là chia nhau hơi ấm, tình nghĩa xóm chòm để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Đại dịch có thể đã cướp đi nhiều thứ, nhưng đâu đó, giữa tâm dịch, những cư dân Sài Gòn đã dần thấm câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”!
Cảm ơn lắm, nghĩa tình Hàng Xóm!
TĐ
Bình luận (0)