Tình hình Covid-19 hôm nay 13.1: TP.HCM tiến tới bình thường hóa hoạt động ở trường học

13/01/2022 19:02 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: TP.HCM đang lên kế hoạch về việc đi học trực tiếp của học sinh mầm non sau Tết Nguyên đán 2022, lộ trình đi học của học sinh từ lớp 1 - 6, tiến tới bình thường hóa các hoạt động trường học.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước có 16.725 ca nhiễm Covid-19 mới, Hà Nội 2.968 ca. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 12.1 đến 16 giờ ngày 13.1, cả nước ghi nhận thêm 16.725 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 25 ca nhập cảnh và 16.700 ca ghi nhận trong nước (tăng 634 ca so với ngày trước đó). Hà Nội là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất trong ngày với 2.968 ca, cao hơn 4 lần so với địa phương xếp thứ 2 là Bình Phước với 726 ca.

Một số tỉnh, thành có số ca bệnh cao trong ngày qua có Bình Định (709 ca), TP.HCM (701 ca), Khánh Hòa (677 ca), Đà Nẵng (657 ca), Cà Mau (599 ca), Bến Tre (593 ca), Hải Phòng (497 ca)... Theo Bộ Y tế, trong ngày hôm nay, cả nước có thêm 26.031 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Cũng trong 24 giờ từ 17 giờ 30 ngày 12.1 đến 17 giờ 30 ngày 13.1, cả nước có thêm 206 ca tử vong. Trong đó, TP.HCM có 19 ca (gồm 7 ca từ các tỉnh, thành khác chuyển đến).

Học sinh ở TP.HCM khai báo y tế trước khi vào lớp học

bích thanh

TP.HCM tiến tới "bình thường hóa" các hoạt động ở trường học. Tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 13.1, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch, từ tháng 2 - 7.2022, trẻ mầm non đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh và người chăm sóc trẻ. Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đang trình, tham mưu UBND TP.HCM lộ trình, thời gian đi học trực tiếp cụ thể cho các em mầm non sau Tết Nguyên đán 2022. Đồng thời, sẽ có lộ trình đi học của các em từ lớp 1 - 6.

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Ngay từ giai đoạn khởi động lại tổ chức học trực tiếp cho các em học sinh khối lớp 9 - 12, chúng tôi đã thống nhất Sở Y tế TP.HCM là không có quy định cấm các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động căn tin, bán trú, nội trú mà khi thực hiện phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. Thực tế, có đơn vị đã tổ chức, nhưng một số đơn vị vẫn còn lo ngại". Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu, khuyến cáo các cơ sở giáo dục phải tiến tới bình thường hóa các hoạt động trở lại, trong đó có các hoạt động phục vụ học tập cho các em như căn tin, bán trú...

TP.HCM chi hơn 273 tỉ đồng mua thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19

12/12 ca nhiễm biến chủng Omicron ở TP.HCM xuất viện. Chiều 13.1, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 12.1, TP.HCM có 510.195 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện TP.HCM đang điều trị 4.152 bệnh nhân (trong đó có 82 trẻ em dưới 16 tuổi, 301 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO).

Liên quan các ca nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron được cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay, tính đến 15 giờ hôm nay, 12/12 trường hợp đều đã xuất viện. Trong số 12 ca F0 này, có 2 ca có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho ít đàm, còn lại không có triệu chứng. Các trường hợp xuất viện đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Giám đốc CDC Đắk Nông khẳng định mua kit test đúng quy định, không nhận “quà” từ Công ty Việt Á. Ngày 13.1, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông xác nhận đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Nông về việc đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 có liên quan đến Công ty Việt Á. Theo đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã giao việc thực hiện mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, hóa chất cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh tự mua sắm cho phù hợp.

Sở Y tế Đắk Nông đã giao CDC Đắk Nông mua sắm vật tư y tế phòng chống Covid-19 từ năm 2020 đến tháng 9.2021 cho toàn tỉnh. Trong đó, CDC Đắk Nông đã mua kit test phục vụ phòng chống Covid-19 của Công ty Việt Á với số tiền hơn 559 triệu đồng. Quá trình mua các thiết bị y tế đều đúng với quy định. Liên quan vấn đề này, ông Đặng Thành, Giám đốc CDC Đắk Nông, khẳng định trong quá trình làm việc, CDC Đắk Nông không nhận “quà” từ Công ty Việt Á.

Gần 100 ca Covid-19 nguy cơ cao, Đà Nẵng tạm đóng cửa chợ Cồn. Ngày 13.1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng cho biết trong ngày địa phương ghi nhận 657 ca mắc Covid-19 mới. Trong số 657 ca mắc Covid-19 mới ghi nhận tại TP.Đà Nẵng, có 59 ca được cách ly tập trung, 221 ca cách ly tại nhà, 21 ca trong khu phong tỏa và 356 ca chưa cách ly. Trong số 356 ca chưa cách ly, có 30 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Cồn, nâng tổng số ca mắc tại chợ Cồn lên đến gần 100 ca.

Hiện tại, TP.Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động của chợ Cồn (dự kiến kéo dài đến 0 giờ ngày 15.1) để khử khuẩn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Theo kế hoạch, khi chợ mở cửa trở lại, gần 1.600 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ phải xét nghiệm Covid-19. Nếu có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới tham gia hoạt động tại chợ để đảm bảo an toàn.

Kiên Giang phát hiện các vụ núp bóng hỗ trợ Covid-19, lừa đảo cho vay nặng lãi. Ngày 13.1, thượng tá Quảng Quốc Huy, Phó trưởng Công an H.Tân Hiệp (Kiên Giang), cho biết đơn vị vừa có công văn cảnh báo phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng bằng hình thức lừa đảo người dân nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh Covid-19. Trước đó, Công an các huyện Hòn Đất, Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có công văn tương tự để cảnh báo ngừa dân về tình trạng trạng này. Thủ đoạn chung của các đối tượng là tiếp cận người dân rồi đưa ra các thông tin sai sự thật về các khoản tiền trợ cấp như hỗ trợ dịch bệnh Covid-19, giúp người không có việc làm, người già, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số...

Chúng kêu gọi người dân mang theo giấy CMND hoặc thẻ CCCD để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 với số tiền từ 3 - 4 triệu đồng. “Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa người dân lấy giấy tờ tùy thân để các đối tượng làm hợp đồng vay, mua trả góp lại các công ty tài chính 1 sản phẩm có giá trị cao, sau đó bán sản phẩm mua được để lấy tiền tiêu xài và cắt liên lạc với các nạn nhân. Theo Công an xã Vĩnh Bình Bắc, H.Vĩnh Thuận, kẻ gian đã biến các nạn nhân thành các “con nợ” và chiếm đoạt tiền của các công ty tài chính. Nhận định ban đầu, nhiều khả năng đây là hành vi lừa đảo của số đối tượng cho vay lãi nặng, dụ dỗ người dân “sập bẫy” vay nợ của chúng.

Ngày 13.1: Cả nước 16.725 ca Covid-19, 26.031 ca khỏi | Hà Nội 2.968 ca | TP.HCM 701 ca

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay: Cận Tết 2022, chợ đầu mối Bình Điền đảm bảo an toàn thực phẩm, tuân thủ 5K. Đêm 12.1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam có buổi giám sát về tình hình an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM). Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết chợ đầu mối Bình Điền cung cấp mặt hàng thiết yếu cho hơn 10 triệu dân TP.HCM, trong thời gian dịch bệnh, việc cung cấp thực phẩm càng quan trọng hơn. Nếu có nhiều ca nhiễm xuất hiện tại chợ sẽ ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm. Thứ trưởng đề nghị Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền có các biện pháp dứt khoát, nghiêm khắc đối với người ra vào tại chợ. Nếu xảy ra việc lây nhiễm chéo trong chợ dẫn đến việc chợ phải tạm ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt ngay dịp cận tết. Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị chợ đầu mối Bình Điền phải có những giải pháp, trước hết phải kiểm soát ngay từ đầu vào từ con người đến hàng hóa. Hiện nay việc hàng hóa nhiễm Covid-19 trên bao bì, nhãn mác là vấn đề rất lớn. Trong khi tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần cố gắng giảm mật độ người lao động ở chợ, và giãn cách hết mức có thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.