Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay, ghi nhận 23.012 ca mắc Covid-19 trong nước: Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 13.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 23.012 ca mắc trong nước (giảm 1.611 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh: Hà Nội 1.677, Phú Thọ 1.279, Nghệ An 976, Yên Bái 945, Vĩnh Phúc 936, Quảng Ninh 897, TP.HCM 877, Đắk Lắk 850, Lào Cai 748, Tuyên Quang 729, Bắc Kạn 715, Bắc Giang 682, Hải Dương 651, Bắc Ninh 629, Quảng Bình 626, Thái Nguyên 587, Lạng Sơn 520, Thái Bình 516. Có 41 địa phương có số mắc mới dưới 300 ca.
Ngày 14.4: Cả nước 23.012 ca Covid-19, 85.633 ca khỏi | Hà Nội 1.677 ca | TP.HCM 877 ca |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ giảm 348, Hải Dương giảm 246, Vĩnh Phúc giảm 211. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh tăng 195, Quảng Bình tăng 154, Ninh Bình tăng 115. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 85.633 bệnh nhân khỏi bệnh. 1.161 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, 184 ca thở máy xâm lấn và 3 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua ghi nhận 23 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó Cao Bằng và Khánh Hòa mỗi nơi ghi nhận 3 ca, Bình Định và Đắk Lắk mỗi nơi ghi nhận 2 ca, Gia Lai 2 ca trong 2 ngày, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Phú Thọ và Trà Vinh mỗi nơi ghi nhận 1 ca.
Các tỉnh thành lần lượt tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi |
SHUTTERSTOCK |
Quảng Ninh tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 14.4, phụ huynh được nghỉ làm để theo dõi trẻ sau tiêm. Sáng nay 14.4, tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng năm 2022. Ngay sau lễ phát động, hơn 160 học sinh đầu tiên thuộc trường Trần Quốc Toản (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn cho các bậc phụ huynh, người giám hộ, chăm sóc trẻ được nghỉ ít nhất 1 ngày để đưa trẻ đi tiêm và chăm sóc trẻ sau tiêm. Chịu trách nhiệm tổ chức, hỗ trợ ngành y tế tiêm chủng tuyệt đối an toàn cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Các đơn vị y tế, tiêm chủng bố trí nhân viên y tế thường trực giữ mối liên hệ với từng gia đình trẻ em để chăm sóc, theo dõi sức khỏe, điều trị, tư vấn cho trẻ sau tiêm, tổ chức xử trí hiệu quả tối đa các tình huống trong tiêm chủng.
Quảng Ninh bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi |
TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 16.4. Ngày 14.4, tin từ Sở Y tế TP.HCM, thành phố dự kiến bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vào ngày 16.4, tức thứ 7 tuần này. Theo kế hoạch, khối học sinh lớp 6 của 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức được tiêm trước. Đối với khối học sinh lớp 5, sẽ tiêm trước tại 5 địa bàn: Q.1, Q.5, Q.10, Q.Phú Nhuận và Q.Tân Phú. TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ tuổi lớn trước, sau đó hạ dần độ tuổi. Đối với trẻ mắc Covid-19, sau khi khỏi bệnh 3 tháng mới được tiêm.
Thông tin ban đầu, Bộ Y tế cấp cho TP.HCM đợt đầu 87.500 liều vắc xin Covid-19, đợt sau cấp 138.000 liều và 147.000 liều, tất cả đều là vắc xin Moderna. Số lượng trẻ dự kiến được tiêm khoảng 898.537 em, trong đó có 885.730 trẻ đi học, 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học. Theo thống kê mới nhất, số lượng đăng ký tiêm ở trẻ đi học là hơn 643.000, đạt tỷ lệ 77,58%. Hiện Sở Y tế và các sở, ban ngành tiếp tục thống kê để cập nhật con số tiêm. Ngày mai, 15.4, TP.HCM họp trực tuyến với các đơn vị để triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên toàn thành phố.
Duy trì liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh trong tuần sau tiêm để đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ. Về việc TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ sáng 16.4, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý phòng giáo dục TP.Thủ Đức và các quận, huyện yêu cầu trường học thông tin, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh những tác dụng, lợi ích, phản ứng của vắc xin cho trẻ; hướng dẫn trước quy trình tổ chức đặc biệt khâu khám sàng lọc và theo dõi sau khi tiêm nhấn mạnh luôn phải có phụ huynh học sinh đi cùng. Các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên... tham gia phối hợp thực hiện cùng ngành y tế và phải có sự phân công rõ ràng từng khâu từng bước.
Riêng về yêu cầu mã định danh của học sinh, ông Trọng hướng dẫn các trường cần phối hợp để cập nhật hệ thống dữ liệu. Trong trường hợp bất khả kháng, học sinh chưa có mã định danh, việc tiêm chủng vẫn phải đảm bảo. Dù là lần thứ 3 thực hiện tiêm vắc xin cho học sinh và công tác phối hợp giữa ngành y tế và ngành giáo dục khá nhịp nhàng nhưng ông Trọng vẫn nhấn mạnh trong buổi họp với lãnh đạo các phòng giáo dục rằng: "Với lứa tuổi nhỏ cần có sự quan tâm đặc biệt hơn. Không nên quá cầu toàn về thời gian kết thúc tiêm mà cần quản lý được điểm tiêm, số lượng tiêm... Có sự giám sát từ khâu đầu đến khâu cuối, duy trì liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh học sinh trong tuần sau tiêm để đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ".
Gần 133.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở Đà Nẵng đủ điều kiện tiêm vắc xin Covid-19. Ngày 14.4, UBND TP.Đà Nẵng cho biết vừa ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đối tượng tiêm chủng là trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi hiện đang cư trú trên địa bàn TP.Đà Nẵng (bao gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài) có chỉ định sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo UBND TP.Đà Nẵng, đợt 1 dự kiến bắt đầu từ tháng 4.2022, tiêm chủng cho các trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi (không bao gồm trẻ đã mắc Covid-19 trong 3 tháng qua). Đợt 2 dự kiến triển khai sau khi có hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế về thời điểm triển khai tiêm chủng cho trẻ mắc Covid-19. Theo đó, sẽ tiêm chủng cho các trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 có chỉ định trì hoãn tiêm chủng.
UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo điều tra, rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi hoàn thành trước ngày 16.4. Các cơ sở tiêm chủng giám sát chủ động các sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo quy định Bộ Y tế; khi có xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, cần thực hiện theo quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng. Theo số liệu do các quận, huyện cung cấp, toàn TP.Đà Nẵng hiện có gần 133.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện để tiêm vắc xin Covid-19. Trong đó, có hơn 130.000 trẻ đang đi học; 2.555 trẻ không đi học.
Lý do nên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), thông thường trẻ sau khi mắc Covid-19 và hồi phục, sẽ sinh kháng thể chống lại virus gây bệnh. Lượng kháng thể sinh ra ở mỗi trẻ khác nhau, tùy cơ địa sẽ duy trì từ 1 đến 6 tháng. Do đó mốc thời gian 3 tháng sẽ là khoảng thời gian trung bình, để ước tính trẻ có thể tiêm vắc xin Covid-19. Phụ huynh chú ý mốc thời gian 3 tháng là tính từ khi trẻ phục hồi, không có các triệu chứng Covid-19. Khi các cháu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19, hoặc mệt mỏi... thì tránh đưa trẻ đến điểm tiêm. Bởi ngoài nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng thì việc tiêm chủng trong thời gian tái nhiễm sẽ làm bệnh nặng hơn. Phụ huynh nên chia sẻ đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ với nhân viên y tế trước khi tiêm để đảm bảo an toàn cho trẻ.
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết theo khảo sát của 63 tỉnh thành, dự tính khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm vắc xin Covid-19. Trong đó, ước tính có khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19 và 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19. Trẻ đã mắc Covid-19 sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng. Do đó, đợt đầu tiên sẽ tiêm cho trẻ chưa mắc Covid-19; mỗi trẻ tiêm đủ liều cơ bản gồm 2 mũi vắc xin. Dự kiến, trong tháng 7 - 8 sẽ tiêm hết cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm.
Trẻ sốt hậu Covid-19 là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì? |
Long An mua kit xét nghiệm của Việt Á chênh lệch hơn 4 tỉ đồng. Ngày 14.4, tin từ Thanh tra tỉnh Long An cho biết, đơn vị đang tiếp tục củng cố, thu thập các tài liệu, chứng từ liên quan đến quá trình mua sản phẩm kit xét nghiệm PCR của Công ty Việt Á tại nhiều đơn vị y tế của tỉnh. Theo kết luận thanh tra, trong 2 năm 2020 và 2021, Sở Y tế, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế; UBND 15 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh, các bệnh viện dã chiến đã thực hiện trên 655 gói thầu mua sắm vật tư, kit test… để phục vụ công tác chống dịch Covid-19 với tổng giá trị hơn 874 tỉ đồng. Cũng theo kết luận thanh tra, Sở Y tế Long An chưa có sự phối hợp, thông tin tham khảo giá bán thiết bị, vật tư y tế chưa kịp thời để các đơn vị tham khảo… dẫn đến việc thực hiện hơn 655 gói thầu có chênh lệch, cao hơn giá thị trường trên 4 tỉ đồng.
Trong đó, 4 đơn vị y tế gồm Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (H.Đức Hòa), Bệnh viện đa khoa khu vực Cần Giuộc (H.Cần Giuộc) thực hiện mua sắm tổng cộng 9 gói thầu tổng cộng 109.268 kit xét nghiệm PCR, tổng cộng gần 45 tỉ đồng của Công ty Việt Á với tổng giá trị gần 45 tỉ đồng. Gói thầu có mức giá cao nhất 525.000 đồng/bộ kit xét nghiệm PCR, giá thấp nhất là 367.500 đồng/bộ kit xét nghiệm PCR. Hiện, Thanh tra tỉnh Long An tích cực phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An để rà soát thận trọng, kỹ lưỡng về quá trình tổ chức mua sắm các sản phẩm xét nghiệm PCR từ Công ty Việt Á để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Cà Mau chỉ xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19 đối với người có triệu chứng. Ngày 14.4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh này vừa có văn bản chỉ đạo chỉ xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19 đối với người có triệu chứng nghi nhiễm hoặc người có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Để tiếp tục thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19 đối với người có triệu chứng nghi nhiễm hoặc người có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Đồng thời, khuyến khích người dân tự xét nghiệm định kỳ (test nhanh mẫu gộp) để kiểm tra sức khỏe. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cá nhân hoặc tổ chức thông báo ngay với cơ sở y tế để sớm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo, các quy định trước đây trái với chủ trương này đều hủy bỏ.
Bình luận (0)