Tình hình Covid-19 hôm nay 15.2: 11 địa phương có trên 1.000 ca nhiễm mới trong ngày

15/02/2022 18:49 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Có 11 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới trong ngày, Hà Nội tiếp tục đứng đầu với 3.972 ca, kế sau đó là Hải Dương 1.807 ca, Hải Phòng 1.417 ca…

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 31.787 ca mắc Covid-19 trong nước tại 62 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 14.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 31.787 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.384 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Trong các ca mắc mới có 22.870 ca trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới trong ngày: Hà Nội 3.972 ca, Hải Dương 1.807 ca, Hải Phòng 1.417 ca, Nam Định 1.354 ca, Thái Nguyên 1.294 ca, Quảng Ninh 1.246 ca, Ninh Bình 1.136 ca, Vĩnh Phúc 1.135 ca, Nghệ An 1.113 ca, Phú Thọ 1.080 ca, Bắc Ninh 1.041 ca.

Theo công bố của các Sở Y tế, hôm nay có 9.326 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện có 2.926 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó, 289 ca thở máy xâm lấn và 16 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 85 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 4 ca (2 ca chuyển đến từ Bình Định và Long An); Hà Nội 11 ca; Khánh Hòa 9 ca trong 2 ngày; Quảng Ngãi 6 ca trong 2 ngày. Bình Định, Đà Nẵng và Kiên Giang mỗi nơi ghi nhận 5 ca; Quảng Nam, Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Tây Ninh và Vĩnh Long mỗi nơi ghi nhận 3 ca…

Hà Nội tiếp tục có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất cả nước

đậu tiến đạt

Hà Nội chạm mốc gần 4.000 ca Covid-19. Sở Y tế Hà Nội cho biết, hôm nay 15.2, thành phố ghi nhận 3.972 ca bệnh. Đây là số ca trong ngày cao nhất từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay. Số ca mắc mới trong ngày của Hà Nội bắt đầu tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và học sinh từ lớp 7 toàn thành phố, cũng như học sinh lớp 1 đến lớp 6 các huyện ngoại thành đi học trở lại.

Theo đó, trong số 3.972 ca Covid-19 mắc mới được ghi nhận, có 798 ca cộng đồng; 3.174 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai 186 ca; Đông Anh 175 ca; Chương Mỹ 155 ca; Bắc Từ Liêm 143 ca; Nam Từ Liêm 141 ca. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4 đến nay) là 179.217 ca. Hiện, số bệnh nhân đang điều trị trên toàn thành phố là 95.916, trong đó số điều trị các các bệnh viện là 4.500 người; F0 theo dõi, điều trị tại nhà là 91.544.

TP.HCM có thêm 41 ca nhiễm biến thể Omicron. Ngày 15.2, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, kết quả giải trình tự gen một số ca nhiễm Covid-19, TP.HCM phát hiện thêm 41 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 40 ca nhập cảnh và 1 ca cộng đồng. Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đa số ca nhiễm biến thể Omicron đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. UBND TP.HCM đã chỉ đạo quận, huyện, TP.HCM giám sát chặt người nhập cảnh cách ly tại nhà.

Như vậy, đến nay TP.HCM có 166 ca nhiễm biến thể Omicron, bao gồm 155 ca nhập cảnh và 11 ca cộng đồng. Ngày 15.2, số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM có xu hướng tăng nhẹ với 343 ca, trong đó có 194 ca sàng lọc tại bệnh viện, 139 ca phát hiện tại cộng đồng do các trung tâm y tế lấy mẫu, 10 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến. Tổng số ca nghi ngờ qua test nhanh là 363 ca.

TP.HCM phát hiện thêm 41 ca nhiễm Covid-19 biến thể Omicron

Cà Mau giải thể 6 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Ngày 15.2, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh này vừa có quyết định giải thể 6 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh Covid-19. Theo đó, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau cơ bản kiểm soát, hơn 88% người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định giải thể các bệnh viện dã chiến số 4, 5, 6, 7, 8, 9.

6 bệnh viện dã chiến gồm: Bệnh viện dã chiến số 4 đặt tại Bệnh viện Quân Dân Y; Bệnh viện dã chiến số 5 tại tòa nhà Cửu Long Plaza; Bệnh viện dã chiến số 6 tại Trung tâm Y tế H.Phú Tân; Bệnh viện dã chiến số 7 tại Trung tâm Y tế H.Ngọc Hiển; Bệnh viện dã chiến số 8 tại Trường Chính trị tỉnh Cà Mau và Bệnh viện dã chiến số 9 tại Trường THPT Nguyễn Việt Khái. Ngày 15.2, tin từ Sở chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau cho biết trong ngày ghi nhận 156 ca mắc Covid-19 mới (13 ca qua xét nghiệm PCR, 143 ca qua test nhanh). Trong số mắc mới, có 144 ca cộng đồng, 12 ca đang cách ly.

Doanh nghiệp dịch vụ ở Quảng Trị "than trời" vì thị trấn du lịch biển siết quy định chống dịch. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 14.2, Chủ tịch UBND TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) Nguyễn Xuân Phương ký văn bản số 56 về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 theo cấp độ 4 tại địa phương (TT.Cửa Việt ghi nhận 53 ca nhiễm Covid-19). Theo đó, tạm dừng các hoạt động tập trung ngoài trời; dừng vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa; dừng các cơ sở làm đẹp, quán bar, vũ trường, karaoke…; nhà hàng/quán ăn chỉ được bán mang về. Các cơ sở địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch, điểm biểu diễn văn hóa thể thao… cũng phải tạm dừng hoạt động. Các quy định này được áp dụng bắt buộc từ 15 giờ ngày 14.2 cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 15.2, PV Thanh Niên nhận được phản ánh của một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TT.Cửa Việt về những bức xúc liên quan đến việc các quy định chống dịch Covid-19 của địa phương làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất kinh doanh của họ. Trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, thành viên thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị, cho biết dù ông chưa nhận được văn bản chính thức nhưng có nắm thông tin. “Việc này đề nghị anh liên hệ với UBND H.Gio Linh để làm rõ thêm. Tuy nhiên, ra văn bản gồm các quy định cứng như chỗ UBND TT.Cửa Việt vào thời điểm này là không được rồi, rất không phù hợp”, vị này nói.

Hải Phòng sẽ tăng cường 500 sinh viên ngành y cho các trạm y tế lưu động. Theo báo cáo tại cuộc họp chống dịch Covid-19 ngày 14.2 của Sở Y tế TP.Hải Phòng, hiện nay, 32.423 F0 đang điều trị, trong đó 31.032 ca điều trị tại nhà (chiếm 95,7%). Trước đó, TP.Hải Phòng đã thành lập 226 trạm y tế lưu động để thực hiện việc theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, Sở Y tế TP.Hải Phòng cho biết, nhân lực tại một số đơn vị y tế còn mỏng, đặc biệt khi số ca mắc tăng nhanh, số nhân lực tại trạm Y tế không đủ để quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Nhiều nhân viên y tế mắc Covid-19 từ cộng đồng và trong khu điều trị.

Chiều 15.2, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng kiêm Giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng, cho biết: "Thành phố sẽ tăng cường nhân lực, vật lực cho các trạm y tế lưu động. 500 sinh viên của các trường y đã được tập huấn vào ngày hôm qua, sẽ triển khai xuống các trạm từ 16.2 và sẽ có thêm người để chăm sóc F0 tại nhà". Ông Nam cũng cho biết, tổng đài 115, tổng đài tư vấn 0225.1022 đã được nâng cấp phục vụ người dân.

TP.HCM tiếp nhận máy tạo ô xy hơn 2 tỉ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19. Sáng 15.2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức buổi tiếp nhận máy tạo ô xy với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng do Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam bày tỏ vinh dự khi được tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh của TP.HCM. Đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp, các ngành TP.HCM trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong việc cho các đơn vị nhập khẩu các loại trang thiết bị y tế, qua đó góp phần giúp cho việc đẩy lùi dịch bệnh đạt hiệu quả, công tác điều trị mang lại kết quả tích cực.

Theo thống kê từ tháng 7.2021 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 nhận được sự chung sức của hơn 210 lượt ủng hộ của cá nhân, tổ chức, đơn vị vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế trị giá hơn 3.000 tỉ đồng.

Ngày 15.2: Cả nước 31.814 ca Covid-19, 9.326 ca khỏi | Hà Nội 3.972 ca | TP.HCM 341 ca

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, gần 94% học sinh cả nước đã trở lại trường. Bộ GD-ĐT vừa cho biết đến ngày 14.2, tất cả các tỉnh, thành phố, sở GD-ĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh. Tất cả các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2. Cụ thể, đối với bậc mầm non, có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Đối với cấp tiểu học, 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp. Đối với cấp THCS, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp. Đối với cấp THPT, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Tổng số học sinh học trực tiếp: đạt tỷ lệ 93,71%. Trong đó, khối mầm non: 54/63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ 85,71%. Khối tiểu học: 59/63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ 93,65%. Khối THCS: 62/63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ 94,41%. Khối THPT: 63/63 tỉnh/ thành phố, tỷ lệ 99,0%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.