Tình hình Covid-19 hôm nay 19.1: Xuất hiện ca nhiễm Omicron, TP.HCM thần tốc truy vết

19/01/2022 18:39 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Sở Y tế TP.HCM xác nhận có 3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên tại TP.HCM, liên quan một người nhập cảnh về từ Mỹ.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Thanh tra mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ Y tế. Nguồn tin Thanh Niên cho biết, 14 giờ hôm nay 19.1, tại trụ sở Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc thanh tra tại Bộ Y tế dự báo sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội với kỳ vọng sẽ sớm làm sáng tỏ nhiều nghi vấn về tiêu cực trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế cũng như các địa phương trong thời gian qua.

KHẨN CẤP: Tìm người trên chuyến bay liên quan ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron

Trước đó, trung tuần tháng 12.2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục C03 - Bộ Công an) phát hiện vụ bê bối cực lớn liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 tại nhiều địa phương, có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ KH-CN. Đến nay, C03 đã khởi tố 19 bị can có liên quan đến các tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa và nhận hối lộ”. Trong số này có bị can Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á, có trụ sở tại P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM; Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương…

3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng tại TP.HCM liên quan một người nhập cảnh

đậu tiến đạt

TP.HCM thần tốc truy vết liên quan 3 ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng. Sáng 19.1, Thành ủy TP.HCM tổ chức gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản mừng xuân - mừng Đảng nhân dịp đầu năm. Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM vừa phát hiện chùm 3 ca biến chủng Omicron lây nhiễm từ cộng đồng, trong một gia đình từ nước ngoài về. Hiện ngành y tế đang khoanh vùng, thần tốc truy vết để ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.

Theo tìm hiểu, 3 bệnh nhân mắc biến chủng mới, ngụ Q.11, Q.Gò Vấp và H.Bình Chánh, là 3 ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên tại TP.HCM. Hiện cả 3 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12, tất cả trường hợp F1 được cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm. Những người liên quan đều được lấy mẫu xét nghiệm.

3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng tại TP.HCM liên quan một người nhập cảnh. Sáng 19.1, Sở Y tế TP.HCM xác nhận có 3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên tại TP.HCM. Theo đó, chị N.T.N.P. (40 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) từ Mỹ về Việt Nam ngày 5.1, nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh. Ngày 9.1, chị P. được xét nghiệm PCR tại CDC Khánh Hòa, kết quả âm tính. Ngày 10.1, chị P. về TP.HCM, người thân đón tại sân bay Tân Sơn Nhất nhất gồm anh K. (34 tuổi, ngụ H.Bình Chánh), chị H. (45 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) và chị T. (30 tuổi, ngụ Q.11).

Ngày 16.1, chị P. có kết quả dương tính do Bệnh viện 30.4 thực hiện. Ngày 18.1, phòng Xét nghiệm của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới báo cáo kết quả giải trình tự gen 3 mẫu bệnh phẩm của anh K., chị T. và chị H. đều cho thấy thuộc biến thể Omicron (BA.1). Hiện tại, tình trạng các bệnh nhân là K., chị H., chị T. và chị P. đều ổn. HCDC đang tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 để khoanh vùng cách ly theo quy định phòng lây lan biến thể Omicron.

Ngày 19.1: Cả nước 15.959 ca Covid-19, 33.034 ca khỏi | Hà Nội 2.909 ca | TP.HCM 263 ca

Cà Mau dừng thực hiện quy trình thủ tục mua sắm liên quan Công ty Việt Á. Ngày 19.1, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, có văn bản thông báo ý kiến của ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cuộc họp giao ban với Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid. Văn bản có nhiều nội dung trong đó có nội dung, phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ mua sắm vật tư, trang thiết bị, hóa chất đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Rà soát, báo cáo đề xuất hướng xử lý đối với các vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất còn tồn đọng.

Rà soát đối với các gói thầu mua sắm hiện chưa thanh toán, nếu đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định thì báo cáo cấp thẩm quyền tiến hành thanh toán cho các đơn vị cung cấp. Các vấn đề liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và Công ty Nam Phong tạm thời dừng thực hiện quy trình thủ tục mua sắm, chờ kết luận thanh tra và chỉ đạo của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Kiểm toán nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 tại 32 địa phương, nhiều bộ ngành. Tại hội thảo kiểm toán tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Vũ Văn Họa, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, phạm vi kiểm toán gồm việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các bộ, ngành cơ quan T.Ư (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…). Thời gian kiểm toán dự kiến từ 16.2 đến 31.3 và sẽ phát hành báo cáo kiểm toán trước 31.5.

Nội dung kiểm toán tập trung vào việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; khó khăn vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến; việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm (nhanh và PCR)... Kiểm toán cho hay sẽ không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả các đơn vị bởi nội dung này Thanh tra Chính phủ thực hiện.

TP.HCM yêu cầu làm rõ trách nhiệm hiệu trưởng mắc Covid-19 vẫn đến trường. Cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức giao Sở GD-ĐT TP.HCM làm rõ trách nhiệm của thầy Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng trường tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn (P.Tân Phú, Q.7) và báo cáo UBND TP.HCM trong 3 ngày làm việc. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT và chính quyền địa phương quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, nhất là giáo viên đang tham gia công tác tại các cơ sở giáo dục phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.

“Cá nhân nào không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xem xét xử lý theo quy định”, văn bản nêu rõ. Trước đó, vào sáng 17.1, nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh sự việc xảy ra tại Trường tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn khi hiệu trưởng mắc Covid-19 nhưng vẫn đến trường khiến phụ huynh học sinh lo lắng, bức xúc.

Đà Lạt cho học sinh học trực tuyến ngay sau thi học kỳ 1. Ngày 19.1, bà Trần Thị Vũ Loan, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, đã ký văn bản thống nhất phương án dạy học tại các cơ sở giáo dục từ 21.1 theo đề xuất của Phòng Giáo dục. Theo đó, từ 21 - 28.1, những trường đã hoàn tất việc kiểm tra học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 sẽ chuyển sang dạy trực tuyến các nội dung của học kỳ 2. Những trường chưa thực hiện xong việc kiểm tra học kỳ 1 tiếp tục dạy học trực tiếp để hoàn thành, sau đó chuyển sang dạy học trực tuyến.

Kể từ ngày 7.2 (tức sau kỳ nghỉ tết), nếu TP.Đà Lạt vẫn đang là vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam), các trường phổ thông sẽ tổ chức dạy học trực tuyến, riêng bậc mầm non chưa đến trường. Việc tổ chức dạy học trực tiếp chỉ được thực hiện khi TP.Đà Lạt được đánh giá là vùng dịch cấp độ 1 (vùng xanh) hoặc cấp độ 2 (vùng vàng). Tính đến ngày 19.1, TP.Đà Lạt ghi nhận tổng cộng 3.526 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, có 2.417 ca đã xuất viện và còn 1.109 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị.

Hơn 90% trẻ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin, 9 địa phương dạy học trực tiếp

Quảng Nam nới biện pháp phòng dịch Covid-19, tạo điều kiện cho người về quê ăn tết. Sáng 19.1, ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết ông đã ký và ban hành văn bản về việc quản lý, giám sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người vào Quảng Nam trong giai đoạn mới. Cụ thể, người về từ vùng xanh và vùng vàng (không tính đến tình trạng tiêm vắc xin) hoặc vùng cam đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, đã khỏi bệnh Covid-19 về địa phương thì tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Người về từ vùng cam và tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19, người về từ vùng đỏ đã tiêm đủ liều vắc xin thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày. Người về từ vùng cam chưa tiêm vắc xin, người về từ vùng đỏ tiêm vắc xin nhưng chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin thì phải thực hiện cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú 14 ngày. Cũng theo ông Văn, văn bản phòng chống dịch Covid-19 này cởi mở hơn, tháo “rào chắn”, để người dân từ các địa phương khác về quê Quảng Nam ăn tết thoải mái hơn.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM tri ân cá nhân, nhóm thiện nguyện giúp dân trong cao điểm dịch Covid-19. Sáng 19.1, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức chương trình họp mặt tri ân 100 tập thể, nhóm thiện nguyện, chia sẻ giúp dân trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, chia sẻ rằng cơ quan rất vinh dự và cảm kích khi được đồng hành với các cá nhân, tổ chức thiện nguyện trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27.4), có khoảng 5.500 cá nhân, tổ chức thiện nguyện được cấp giấy đi đường, qua đó đóng góp khoảng 629 tỉ đồng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM thông qua các hoạt động như: tặng các nhu yếu phẩm, túi thuốc F0; vận chuyển bình ô xy; chuyển F0, F1 đi cách ly, điều trị; hỗ trợ mai táng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.