Tình hình Covid-19 hôm nay 19.4: Ca nhiễm mới tăng nhẹ ở TP.HCM và nhiều tỉnh

19/04/2022 18:59 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước ghi nhận 13.500 ca mắc mới, tăng 1.489 ca so với ngày trước đó; Hải Dương, TP.HCM, Đắk Lắk có số ca nhiễm tăng cao nhất; số ca tử vong cũng tăng.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay, có 13.500 ca nhiễm Covid-19 trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 18.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.500 ca mắc trong nước (tăng 1.489 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh: Hà Nội 1.022, Phú Thọ 838, Yên Bái 605, Quảng Ninh 584, Nghệ An 571, TP.HCM 557, Vĩnh Phúc 554, Hải Dương 531. Các tỉnh có số mắc mới dưới 100 ca: Bình Dương 75, Thanh Hóa 60, Bến Tre 53, Bình Phước 51, Thừa Thiên - Huế 50, Phú Yên 48, Long An 44, Bình Thuận 40, Khánh Hòa 37, An Giang 32, Sóc Trăng 26, Bạc Liêu 22, Trà Vinh 19, Kon Tum 11, Đồng Nai 8, Cần Thơ 7, Đồng Tháp 6, Hậu Giang 4, Kiên Giang 3.

Ngày 19.4: Cả nước 13.500 ca Covid-19, 124.630 ca khỏi | Hà Nội 1.022 ca | TP.HCM 557 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng giảm 141, Yên Bái giảm 110, Hà Nội giảm 87. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương tăng 257, TP.HCM tăng 220, Đắk Lắk tăng 155. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có thêm 124.630 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. 1.010 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, 124 ca thở máy xâm lấn và 3 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua ghi nhận 18 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Đắk Lắk ghi nhận 4 ca, Kiên Giang 3, Đồng Nai 2, các tỉnh, thành: An Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bến Tre, Hà Nam, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh và Vĩnh Long mỗi nơi ghi nhận 1 ca.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP.HCM

duy tính

TP.HCM cảnh báo trẻ em mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C nguy hiểm hậu Covid-19. Ngày 19.4, Sở Y tế TP.HCM cho biết, báo cáo nhanh từ các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP.HCM, từ tháng 6.2021 đến tháng 3.2022, có 315 trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C hoặc nghi ngờ MIS-C trên tổng số trẻ em mắc Covid-19, chiếm tỷ lệ 0,4% (trong 71.076 trẻ). Tất cả đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong. Trong số trẻ mắc hội chứng MIS-C, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi (149 trường hợp, chiếm 47,3%), kế đến là trẻ từ 5 đến 12 tuổi (145 trường hợp, chiếm 46%) và trẻ trên 12 tuổi (21 trường hợp, chiếm 6,7%).

Trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiện như sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy. Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim. Riêng biến chứng viêm mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như giãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, trẻ nghi mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa nhi. Một số trường hợp nguy kịch cần được hỗ trợ hô hấp tuần hoàn tại khoa hồi sức tăng cường. Trẻ mắc hội chứng MIS-C đã điều trị ổn định được xuất viện vẫn cần phải theo dõi và tái khám định kỳ mỗi tháng trong ít nhất 3 - 6 tháng sau đó, hoặc tái khám ngay khi có các biểu hiện nặng khác để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trên hệ tim mạch. “MIS-C là hội chứng nặng và nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ em đã nhiễm Covid-19 trước đó với tỷ lệ khá thấp (0,4%). Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa trẻ em mắc hội chứng MIS-C là cho tất cả trẻ em đủ điều kiện từ 5 tuổi trở lên tiêm vắc-xin Covid-19”, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo.

Cảnh báo trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C nguy hiểm hậu Covid-19

Hơn 35.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19. Trưa 19.4, Sở Y tế TP.HCM báo cáo kết quả tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong ngày 18.4, tức ngày thứ 2 tiêm vắc xin cho trẻ trong độ tuổi này. Theo đó, TP.HCM tổ chức 178 điểm tiêm tại các trường học ở 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Có 24.413 trẻ được tiêm, trong số này, có 1.681 trẻ đủ từ 12 tuổi trở lên. Trong ngày 18.4, có 791 trẻ hoãn tiêm; chuyển bệnh viện để tiêm là 218 trẻ; phản ứng sau tiêm 11 trẻ, hiện tình trạng sức khỏe các em ổn định.

Như vậy, sau 2 ngày, TP.HCM đã tiêm được cho 35.331 trẻ em, trong đó có 2.628 trẻ trên 12 tuổi và 32.703 trẻ dưới 12 tuổi. Tổng số trẻ hoãn tiêm là 2.160 em, ngoài ra ghi nhận 246 trường hợp chuyển bệnh viện để tiêm. Công tác tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống Covid-19. Chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm. Hôm nay 19.4, TP.HCM triển khai 145 điểm tiêm vắc xin, 385 bàn tiêm tại 22 quận, huyện TP.Thủ Đức với khoảng 40.134 trẻ em được tiêm. Tổng số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM là 898.537 trẻ. Trong đó, 885.730 em và 12.807 trẻ không đi học, được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội do Sở Lao động thương binh xã hội cung cấp.

TP.HCM: Hơn 35.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin Covid-19

Đà Nẵng gia hạn thanh tra do việc mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 rất phức tạp. Ông Phan Thanh Long, Chánh thanh tra TP.Đà Nẵng, cho hay do việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm rất phức tạp nên đơn vị này đã gia hạn thời gian thanh tra. "Nếu đúng thời gian thì ngày 15.4 vừa qua chúng tôi kết thúc đợt thanh tra. Nhưng do việc mua sắm này rất phức tạp, vì vậy chúng tôi quyết định gia hạn thời gian thanh tra thêm 25 ngày. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ công khai", ông Long nói.

Trước đó, chiều 20.12.2021, Sở Y tế TP.Đà Nẵng thông tin về việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR tại địa phương, trong đó có 270.000 kit test của Công ty Việt Á. Theo Sở Y tế TP.Đà Nẵng, tháng 5.2021, CDC Đà Nẵng đã thực hiện mua sắm 70.000 sinh phẩm xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1st RT-rPCR kit, hãng sản xuất Việt Á/Việt Nam với đơn giá dự toán 509.250 đồng/test. Từ ngày 2.7.2021, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm này là 470.000 đồng/test cho đơn hàng dưới 500.000 test, 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1 triệu test. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của CDC Đà Nẵng, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan có liên quan trình UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua sắm 200.000 test với đơn giá 367.500 đồng/test.

Không trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19 cho những trẻ trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác. Theo bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện nay, phụ huynh thắc mắc không biết tiêm vắc xin phòng Covid-19 bao lâu thì tiêm được các vắc xin khác như cúm mùa, phế cầu, viêm não Nhật Bản, não mô cầu… hoặc ngược lại tiêm những vắc xin này bao lâu thì tiêm được vắc xin phòng Covid-19. Hai loại vắc xin phòng Covid-19 đang được sử dụng tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc nhóm vắc xin mRNA. Vắc xin này không bị ảnh hưởng bởi kháng thể lưu hành trong máu của người được tiêm vắc xin. Ngược lại, kháng thể được tạo ra từ vắc xin phòng Covid-19 là đặc hiệu với protein gai, không bị ức chế hoặc tương tác với các kháng nguyên có trong các loại vắc xin hiện có trên thị trường hiện nay, kể cả vắc xin sống giảm độc lực như sởi, trái rạ, sởi-quai bị-rubella…

Vì vậy, nhằm giúp các cháu có miễn dịch tốt nhất phòng ngừa Covid-19 cũng như không chậm trễ việc tiêm ngừa các vắc xin khác và cũng đảm bảo việc theo dõi an toàn sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, khuyến cáo: Không trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19 cho những trẻ trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác cho dù mới tiêm dưới 14 ngày. Ngược lại, những trẻ mới tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì nên đợi ít nhất 14 ngày sau mới tiêm các vắc xin khác với mục đích là để tập trung theo dõi các tác dụng không mong muốn sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó có viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên, trẻ có thể tiêm vắc xin khác mà không chờ đến 14 ngày sau nếu việc tiêm vắc xin khác là rất cần thiết.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, 83% bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 gặp triệu chứng sổ mũi. Theo dữ liệu mới nhất của tổ chức nghiên cứu triệu chứng Covid-19 của Anh ZOE, sổ mũi là triệu chứng hàng đầu hiện nay ở Anh, chiếm 83% tổng số trường hợp tái nhiễm Covid-19, theo Express.Tiếp theo là mệt mỏi 71%, đau họng 69%. 3 triệu chứng này cũng rất dễ bị nhầm với viêm xoang. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) chỉ ra, viêm xoang cũng có thể khiến bạn chảy nước mũi, ngứa cổ họng và cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các triệu chứng Covid-19 và viêm xoang là viêm xoang không gây sốt, trong khi Covid-19 có thể gây sốt. ZOE xếp hạng các triệu chứng Covid-19 hiện tại theo thứ tự: Chảy nước mũi, mệt mỏi, đau họng, đau đầu, hắt hơi, ho dai dẳng, khàn giọng, ớn lạnh hoặc rùng mình, đau khớp bất thường. Các triệu chứng khác là sốt, chóng mặt, sương mù não, đau nhức mắt, thay đổi khứu giác, đau cơ bất thường, đau lưng dưới, sưng hạch, chán ăn, ù tai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.