Tình hình Covid-19 hôm nay 23.7: Bộ Y tế cùng TP.HCM tìm cách khống chế dịch bệnh

23/07/2021 17:46 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Bộ Y tế và TP.HCM cùng đưa ra nhiều biện pháp quyết khống chế dịch bệnh trong 2 tuần tới.

Thông tin tình hình Covid-19 được nhiều người quan tâm hôm nay là TP.HCM ban hành Chỉ thị 12 tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, áp dụng giãn cách xã hội mức cao hơn đến ngày 1.8.

TP.HCM ban hành Chỉ thị 12 nhằm tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng với nhiều biện pháp cấp bách để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, tại khu vực nguy cơ rất cao, người dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ; cư dân ở các khu phong tỏa người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; người đang cách ly tập trung, các gia đình có ca F0, F1 cách ly tại nhà, tuyệt đối không ra khỏi phòng; các khu nhà trong các hẻm nhỏ, mật độ dân số cao, thực hiện giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.

Bên cạnh đó, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh, các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách; chợ truyền thống giảm quy mô hộ kinh doanh còn 30% so với trước; cơ quan nhà nước làm việc sáng hay chiều, hoặc luân phiên cách ngày tại công sở; 12 chốt kiểm soát chính và chốt liên quận huyện chỉ giải quyết cho xe công vụ, chở hàng hóa được cấp mã nhận diện, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch, đưa rước người dân về quê.

Đạp đổ bàn nhân viên y tế, người đàn ông ở Nhà Bè bị phạt 3 triệu đồng

Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức sơ kết 15 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết dù đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, số ca bệnh trên địa bàn vẫn tăng cao, số bệnh nhân phát hiện qua tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện chưa giảm.

Do đó, căn cứ Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1.8 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch Covid-19.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức gửi văn bản khẩn đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ, điều động lực lượng y tế từ các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, số lượng nhân viên y tế cần điều động là 1.000 bác sĩ (gồm 100 bác sĩ chuyên về hồi sức và 900 bác sĩ khám và điều trị), 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên (trong đó cần 300 điều dưỡng hồi sức và 100 kỹ thuật viên).

Hiện TP.HCM đã được Bộ Y tế hỗ trợ 1.936 nhân viên y tế đến từ 25 bệnh viện Trung ương, bộ, ngành và Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế cũng đã huy động 1.601 giảng viên, sinh viên, hỗ trợ TP.HCM công tác truy vết, xét nghiệm.

Bộ Y tế sẽ lập gần 35 trung tâm hồi sức quốc gia và vùng, TP.HCM lập Tổ điều phối nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đảm bảo cứu chữa người bệnh Covid-19 kịp thời, Bộ Y tế dự kiến lập gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng và 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Đa khoa T.Ư Huế, Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM, mỗi trung tâm có 500 - 1.000 giường bệnh.

Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.

UBND TP.HCM thành lập Tổ điều phối nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ trưởng Tổ điều phối nguồn nhân lực có văn bản đề nghị lãnh đạo các cơ quan khối Đảng (trừ quận, huyện), đoàn thể thuộc và trực thuộc Đảng bộ TP.HCM, các sở - ban - ngành lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc để tạo nguồn khi cần thiết hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia, phục vụ phòng, chống dịch và duy trì hoạt động trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

Về tiêu chí cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức dưới 50 tuổi đối với nam và dưới 40 tuổi đối với nữ; có sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức được lập danh sách không quá 30% tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan, đơn vị. Tổ điều phối nguồn nhân lực đề nghị việc lập danh sách phải đảm bảo lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.

Vừa xử phạt vi phạm Chỉ thị 16, vừa xét nghiệm nhanh Covid-19 ở vùng ven TP.HCM

Bộ Y tế triển khai dùng vắc xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca, TP.HCM tiếp tục chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 với khoảng 1 triệu liều.

Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca. Theo Bộ Y tế, các quốc gia như Canada, Đức, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc... đã áp dụng kết hợp hai loại vắc xin phòng Covid-19 khác nhau để tiêm 2 mũi cho người dân, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 là vắc xin Pfizer cho thấy miễn dịch sinh ra tương đương với việc tiêm 2 mũi Pfizer, và cao hơn so với việc tiêm 2 mũi AstraZeneca.

Tại Việt Nam, đến nay đã có hơn 3,5 triệu người được tiêm 1 liều vắc xin và hơn 300.000 người tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19. Trong tháng 7, Bộ Y tế tiếp nhận 746.460 liều vắc xin Pfizer. Trước đó, 2 lượt vắc xin tiếp nhận đầu tiên mỗi lượt 97.110 liều đã tới Việt Nam. Bộ Y tế đã phân bổ 746.460 liều vắc xin Pfizer được cung ứng trong tháng 7 cho các địa phương và đơn vị để triển khai tiêm. Trong đó, nêu rõ trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca từ 8 - 12 tuần, nếu người được tiêm đồng ý.

Có thêm hơn 1,2 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM trong hôm nay. Đây là lần giao vắc xin AstraZeneca thứ 5 và cũng là lô hàng lớn nhất từ trước đến nay được đưa về Việt Nam theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca. Hiện, hợp đồng này đã mang về Việt Nam hơn 3,1 triệu liều.

Tổng cộng đã có gần 8,6 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam. Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 22.7, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm hơn 4,1 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, góp phần bảo vệ các lực lượng tuyến đầu và các nhóm ưu tiên. TP.HCM cũng đang thực hiện chiến dịch tiêm đợt 5 với khoảng 1 triệu liều vắc xin Covid-19. Có 3 loại vắc xin được sử dụng, gồm: AtraZeneca, Moderna, Pfizer.

Đề nghị xử lý hoa khôi Vũ Phương Anh tung tin "tiêm vắc xin Covid-19 không cần đăng ký"

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM phát hiện 40.225 ca nhiễm Covid-19. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ ngày 9.7 đến 6 giờ sáng 23.7, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca. TP.HCM đang điều trị 36.569 ca dương tính mới (bao gồm PCR và test nhanh dương tính). Trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Có 441 trường hợp tử vong (cộng dồn từ ngày 1.1.2021).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.