Tình hình Covid-19 hôm nay 24.2: Thuốc trị Covid-19 được bán rộng rãi kèm điều kiện

24/02/2022 18:59 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Thuốc điều trị Covid-19 hiện đã được bán ra thị trường. Người mua thuốc phải có đơn do bác sĩ kê, phiếu test RT-PCR của bệnh viện hoặc giấy chứng nhận F0.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 69.119 ca ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 23.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 69.119 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Có 25 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh: Hà Nội 8.864 ca, Bắc Giang 4.171 ca, Hải Dương 2.948 ca, Sơn La 2.860 ca, Phú Thọ 2.596 ca, Nam Định 2.592 ca, TP.HCM 2.466 ca, Hòa Bình 2.391 ca, Bắc Ninh 2.375 ca, Vĩnh Phúc 2.117 ca, Hưng Yên 1.995 ca, Hải Phòng 1.890 ca, Ninh Bình 1.799 ca, Yên Bái 1.666 ca, Lào Cai 1.655 ca, Nghệ An 1.629 ca, Hà Giang 1.560 ca, Đắk Lắk 1.514 ca, Thái Nguyên 1.497 ca, Lạng Sơn 1.480 ca, Thái Bình 1.456 ca, Khánh Hòa 1.229 ca, Quảng Nam 1.199 ca, Tuyên Quang 1.118 ca, Bình Định 1.016 ca.

Bộ Y tế hướng dẫn điều trị Covid-19 mức độ nhẹ không dùng thuốc ở trẻ em

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh giảm 1.868 ca, Hòa Bình giảm 204 ca, Tuyên Quang giảm 159 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội tăng 1.445 ca, Bắc Giang tăng 1.173 ca, TP.HCM tăng 1.015 ca. Theo công bố của các Sở Y tế, hôm nay có 19.062 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 111 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội 26 ca, Đà Nẵng 8 ca, Thái Nguyên 7 ca trong 2 ngày, Đắk Lắk 5 ca trong 2 ngày, Nghệ An 5 ca, Quảng Ngãi 5 ca trong 2 ngày, Bắc Giang 3 ca trong 2 ngày...

Thuốc điều trị Covid-19 đã được bán tại nhiều hệ thống nhà thuốc ở TP.HCM

khánh trần

Thuốc Molnupiravir đã được bán. Chiều 23.2, sau khi Cục quản lý dược Bộ Y tế công khai giá bán buôn thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19, thuốc này đã được bán ra thị trường. Thuốc bán phải theo đơn bác sĩ. Theo công bố giá của Cục Quản lý dược, thuốc Molravir 400 mg của Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá bán 11.550 đồng/viên (hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ).

Giá thuốc Movinavir 200 mg của Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên (hộp 10 vỉ x 10 viên). Thuốc Molnupiravir Stella 400 mg của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm có giá 12.500 đồng/viên (hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên).

Có dễ mua được thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 made in Việt Nam? Theo ghi nhận của Thanh Niên, vào chiều 24.2, tại các nhà thuốc thuộc hệ thống Pharmacity và Long Châu ở TP.HCM đều đã bán thuốc điều trị Covid-19 loại Molnupiravir 400 mg do Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất. Qua khảo sát tại nhiều nhà thuốc, thuốc điều trị Covid-19 do Boston Pharma sản xuất được bày bán phổ biến nhất với loại Molravir 400 mg, hộp 20 viên có giá 250.000 đồng. Trong khi đó, một hiệu thuốc trên đường Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh) bán thuốc này với giá 400.000 đồng/hộp.

Khách đến mua thuốc phải mang theo đơn do bác sĩ kê, phiếu test RT-PCR của bệnh viện hoặc giấy chứng nhận F0. Một số người dân khi đến mua thuốc, do không đủ điều kiện hoặc giấy tờ, phải quay về. Nhân viên nhà thuốc Long Châu trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) cho biết, nếu trường hợp người mua thuốc trị Covid-19 là người thân, người quen của F0 thì buộc phải ký vào giấy xác nhận do nhà thuốc cung cấp, bao gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ. Mỗi đơn thuốc hoặc giấy xác nhận F0 chỉ mua được 1 hộp, là 1 liệu trình. Tại cửa hàng cũng thuộc hệ thống Long Châu ở 125 Lê Văn Chí, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, nhân viên cho biết: "Trong trường hợp bệnh nhân không tự đến tiệm thuốc được thì phải quay clip test lên 2 vạch kèm theo giấy chứng minh hoặc CCCD của người mua thuốc để kế bên".

Việt Nam được chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA

độc lập

WHO chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA cho Việt Nam. Công bố này được WHO đưa ra trong họp báo ngày 23.2, tại Geneva. Buổi họp báo có sự tham dự và phát biểu cả trực tiếp và trực tuyến, của Tổng giám đốc WHO, bộ trưởng của các nước Hàn Quốc, Argentina, Indonesia, Serbia và Việt Nam. WHO và Hàn Quốc thông báo việc thành lập Trung tâm Đào tạo sản xuất sinh phẩm tại Hàn Quốc với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc và phối hợp của Học viện WHO (trụ sở tại Lyon, Pháp) nhằm tổ chức đào tạo chuyên môn cho các nước thu nhập thấp và trung bình muốn sản xuất sinh phẩm, như vắc xin, insulin, kháng thể đơn dòng và các phương pháp điều trị ung thư.

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh sự tin tưởng khi tham gia sáng kiến này Việt Nam có thể sản xuất vắc xin mRNA trên quy mô lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc được lựa chọn nằm trong danh sách các nước nhận chuyển giao công nghệ mRNA cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vắc xin quy mô lớn với chất lượng cao, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận các hỗ trợ của WHO và các đối tác quốc tế để phát triển và sản xuất thành công vắc xin mRNA phòng Covid-19 và các bệnh khác trong tương lai.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra, xử phạt việc 'thổi giá' kit test Covid-19

Một số cơ quan nhận trách nhiệm và xử lý bước đầu trong vụ bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm. Chiều 24.2, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu - Công an TP.HCM, cho biết vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh sinh viên trường y, giả danh bác sĩ để vào khu cách ly, điều trị Covid-19 đã được thông tin trên cổng thông tin điện tử của công an thành phố, các đơn vị chuyên môn đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi, mục đích, động cơ, hậu quả nếu có để xử lý. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân, ông Hà đánh giá vụ việc không phải quá lớn, đã xảy ra trong cao điểm dịch và đã được phát hiện, giải quyết từ tháng 9.2021.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết nhiều ngày qua, một số cơ quan báo chí đã thông tin vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh sinh viên, bác sĩ để tham gia phòng, chống Covid-19. “Nguyễn Quốc Khiêm đã có hành vi sai phạm, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ động cơ, mục đích, tính chất, tác hại để xử lý theo đúng quy định. Vụ việc xảy ra đã khá lâu, trong bối cảnh cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 với khối lượng công việc rất lớn và phức tạp. Do tính chất như vậy nên chắc chắn có nhiều sai sót”, ông Phạm Đức Hải nhìn nhận, và cho biết cá nhân Khiêm đã nhận thấy sai sót, một số cơ quan chức năng đã nhận thấy trách nhiệm và xử lý bước đầu.

Hà Nội lập đỉnh gần 9.000 ca Covid-19 trong 24 giờ. Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc mới hôm nay 24.2 là 8.864 ca bệnh (3.025 ca cộng đồng và 5.839 ca đã cách ly). Bệnh nhân phân bố tại 538 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh 698 ca, Sóc Sơn 610 ca, Nam Từ Liêm 520 ca, Long Biên 517 ca, Hoài Đức 514 ca, Hoàng Mai 488 ca, Bắc Từ Liêm 432 ca và Mê Linh 411 ca. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4.2021 đến nay) là 230.138 ca.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, dự báo số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng. Thành phố đã tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24 tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ cho người dân; cấp phát thuốc kịp thời cho người dân. Việc tiêm vét vắc xin phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, cơ bản hoàn thành… Sở Y tế cho biết, hiện đã khống chế tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%.

Các bệnh viện ở TP.HCM sẵn sàng phát hiện, điều trị trẻ mắc Covid-19. Ngày 24.2, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng có công văn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố về việc tăng cường chăm sóc, thu dung điều trị trẻ em mắc Covid-19. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường sàng lọc khi tiếp nhận trẻ đến khám vì triệu chứng sốt, kèm hoặc không kèm các triệu chứng hô hấp khác, cần thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 sớm (test nhanh hoặc RT - PCR) để phát hiện, cách ly điều trị kịp thời. Khuyến khích thành lập khoa Covid-19 tại các bệnh viện chuyên khoa nhi, hoặc đơn vị chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 tại khu vực cách ly dành cho người mắc Covid-19 của bệnh viện.

Sở Y tế TP.HCM lưu ý trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin Covid-19 phải được xem là nhóm nguy cơ nhất là trẻ em có bệnh nền như béo phì, các bệnh lý bẩm sinh. Trong giai đoạn hiện nay, khi phát hiện trẻ em có xét nghiệm tầm soát dương tính và có chỉ định nhập viện điều trị, các đơn vị liên hệ ngay Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 để chuyển viện kịp thời. Mặt khác, khẩn trương rà soát, bổ sung giường bệnh, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao phù hợp quy mô bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận điều trị trẻ em mắc Covid-19; đồng thời cử nhân sự tham gia tập huấn về hướng dẫn chẩn đoán điều trị Covid-19 dành cho trẻ em, cách nhận biết các dấu hiệu chuyển nặng... để tiếp nhận điều trị hoặc chuyển viện kịp thời theo đúng theo phân tầng điều trị.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh ở TP.HCM

ngọc dương

Trẻ em mắc Covid-19 gia tăng, Đắk Lắk lập khu điều trị bệnh nhi F0 nặng. Theo Sở Y tế Đắk Lắk, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 11.563 ca mắc Covid-19, 36 trường hợp tử vong; trong đó, có 6.941 ca mắc là trẻ em. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng cao, nhất là số F0 dưới 18 tuổi, Sở Y tế Đắk Lắk có văn bản yêu cầu Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên khẩn trương thành lập khu điều trị bệnh nhi, chú ý đến công tác hồi sức tích cực cho trẻ em. Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế huyện khẩn trương thực hiện phương án “bệnh viện tách đôi”, tổ chức điều trị ngay bệnh nhân Covid-19.

Cùng ngày, một lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết BV đang tích cực chuẩn bị để tiếp nhận trẻ em mắc Covid-19 nặng vào điều trị. Trước đây, BV đã lập một khu ở tòa nhà G chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có 10 giường cho bệnh nhân nhi nặng. Hiện nay, do số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng lên nên BV đã dành tiếp tòa nhà E với 500 giường bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19; trong đó dành riêng 1 tầng cho bệnh nhi nặng.

Hải Phòng chỉ cấp test nhanh để xét nghiệm cho F0. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hải Phòng, từ hôm nay, 24.2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hải Phòng (CDC Hải Phòng) chỉ cấp phát test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các địa phương sử dụng để làm xét nghiệm cho các trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà đủ 7 ngày.

Các địa phương sẽ tạm dừng việc lấy mẫu xét nghiệm cho F1 cách ly tại nhà vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Các F1, những gia đình có F1 chủ động tự làm xét nghiệm tại nhà và khai báo trung thực với y tế địa phương để được tư vấn, hướng dẫn, quản lý kịp thời. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hải Phòng yêu cầu các địa phương căn cứ số lượng F0 và dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, làm dự trù lĩnh test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 để CDC Hải Phòng cấp phát.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, 81% người được hỏi cho biết "sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng Covid-19". Theo kết quả thăm dò của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo T.Ư, 78% ý kiến cho rằng việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi là “rất cần thiết, cần tổ chức tiêm vắc cho trẻ em càng sớm càng tốt; coi việc tiêm vắc phòng Covid-19 cho trẻ em giống như tiêm các loại vắc xin thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi...)”. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi là 76%. Đại đa số ý kiến (81%) tham gia trả lời cho rằng họ “sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng Covid-19” nếu ngành y tế tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi trong thời gian tới". Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi là 80%. Tỷ lệ “do dự hoặc chưa muốn đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng Covid-19” là 12%. Chỉ có 3% cho rằng “không sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng Covid-19”. Trong số những người sẵn sàng đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19, đa số ý kiến cho biết sẵn sàng cho con, cháu đi tiêm vì: “Mong muốn con, cháu mình được an toàn trước dịch bệnh, nếu có nhiễm bệnh cũng nhanh khỏi, không bị nặng” (70%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.