Cùng với đó, người dân nơi đôi bờ sông Hàn cũng đã cùng nhau “dệt” nên những câu chuyện đẹp về tình người.
Lan tỏa thương yêu
Bác sĩ Đặng Văn Trí, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện (BV) C Đà Nẵng đã đề cập đến “cuộc sống 4 mới”, trong đó có “kỹ năng mới” là đong đếm “bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao... để nuôi sống chúng tôi và các bệnh nhân một cách khỏe mạnh”. Thấu hiểu nỗi lo của không riêng bác sĩ Trí, bên cạnh những nhóm, CLB chuyên làm công tác thiện nguyện, nhiều cá nhân cũng đã lên mạng xã hội kêu gọi sự giúp đỡ cho những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Nhiều người dân Đà Nẵng cũng biết đến ông Phạm Thanh, một doanh nhân đã nhiệt thành lên mạng kêu gọi bạn bè đóng góp để sẻ chia trong đại dịch. Bản thân ông Thanh cũng đã chi ra vài tỉ đồng để đặt mua khẩu trang, đồ bảo hộ gửi tặng đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu từ đợt dịch đầu tiên đến nay. Không chỉ lo hàng ngàn suất ăn đảm bảo dinh dưỡng cho người dân khó khăn đang bị cách ly, cứ hay tin trong các BV đang thiếu gì, ông Thanh lập tức cùng bạn bè đi mua cái đó, từ tấm nệm, cây lau sàn nhà cho đến từng quả trái cây tươi, từng viên thuốc bổ...
|
Các cô giáo Trường mầm non Bình Minh (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cũng tình nguyện làm hậu phương cho tiền tuyến, bằng việc mỗi ngày nấu những thùng nước chanh, sả, gừng... gửi đến các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ các khu vực cách ly, các y bác sĩ... Các cô giáo Trường mầm non Bồ Công Anh thì nấu thức ăn gửi vào cho các y bác sĩ BV Đà Nẵng. Nhiều người dân Đà Nẵng còn chu đáo quan tâm mua băng vệ sinh, dầu gội, máy sấy tóc gửi vào cho các nữ y bác sĩ và nữ bệnh nhân...
Trong những ngày này, chỉ cần đến trước các BV Đà Nẵng, BV C, BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng, BV Phổi... đều thấy bóng dáng của các bạn trẻ tình nguyện. Chỉ cần những xe hàng đến là các bạn chạy ra khuân vác giúp. “Tụi em không có của, nên lấy sức trẻ ra để giúp đỡ các cô chú, anh chị trong trận chiến này”, Thanh Trúc, một bạn trẻ tại khu vực BV C vui vẻ nói.
“Vì gia đình đang chờ chúng ta trở về”
Đó là những dòng nhật ký chia sẻ của điều dưỡng Thái Thu Hà (Khoa Nội Tiết niệu, BV Đà Nẵng). Khi nghe tin một đồng nghiệp mắc Covid-19 phải thở ô xy (còn vì mắc bệnh nền khác) kiệt sức, nước mắt chị Hà tự nhiên chảy dài. Hơn ai hết, chị Hà hiểu rằng “những người còn lại phải vững lòng chiến đấu, không được gục ngã lúc này, vì người bệnh, vì gia đình đang chờ chúng ta trở về”.
Những người lính “giao liên”, những “robot vận chuyển trong bộ đồ bảo hộ” là hình ảnh quen thuộc nhất, thân thương nhất ở các BV tuyến đầu đang căng mình chống dịch. “Họ không có thời gian để thở, nói gì đến nghỉ ngơi, ăn uống”, một bác sĩ BV Đà Nẵng chia sẻ khi những đoàn viên thanh niên, những y bác sĩ trẻ, người ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ, liên tục vận chuyển thuốc men, nhu yếu phẩm, lương thực đến từng khoa, phòng đang cách ly riêng biệt trong BV. “Chị ơi, em đứng không nổi nữa. Em nhận hàng và giao hàng cho các khoa. Đi nhiều mệt quá, em buồn ngủ quá chị ơi, em ngủ chút xíu nhé”, những dòng tin nhắn qua điện thoại khiến người nhận rưng rưng.
Trong khi đó, nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên y dược đồng loạt đăng ký xin được ra tuyến đầu trực tiếp hỗ trợ công tác điều trị, phòng chống Covid-19. Có những bác sĩ BV C thì liên tục túc trực ở bên ngoài hàng rào chắn khu vực đường Hải Phòng và Ngô Gia Tự (trước BV C đang bị phong tỏa). “Chúng tôi ra ca trực chưa kịp quay lại thì BV đã bị phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ban đầu chúng tôi “bất lực” hóng vào bên trong. Nhưng sau chúng tôi quyết định sẽ hậu thuẫn vòng ngoài, trực chiến bên ngoài chốt gác và tăng cường nhu yếu phẩm vào bên trong, cũng là cách chung sức cùng đồng nghiệp”, một bác sĩ BV C đứng bên ngoài khu vực cách ly cho biết.
|
“Có hiểu được lòng nhau, mới thấu hết nghĩa tình”
Từ TP.HCM, 2 người bạn đồng hương Đà Nẵng là nhà thiết kế Nguyễn Công Trí và người bạn Dương Trần Bảo đã lùng sục để mua cho được loại khẩu trang N95 chuyên dụng cho các y bác sĩ Đà Nẵng. Hơn 2.000 khẩu trang N95 với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng đã đến với các y bác sĩ BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng và BV Phổi. Bác sĩ Phùng Đình Thạnh, Phó giám đốc BV Phổi vui mừng: “Đây là loại khẩu trang rất quý trong thời điểm này!”. Còn bác sĩ Võ Đắc Truyền, Phó giám đốc BV C, từ trong BV đã nhắn gửi: “Mọi người ở đây cảm thấy rất ấm lòng, thấy tình người thật dạt dào. Tấm lòng của các bạn tiếp thêm cho các y bác sĩ ở đây vượt qua giai đoạn khó khăn này!”.
Tình thương mến thương như mỗi lúc một lan tỏa sâu đậm hơn trong cộng đồng. Một nhóm bạn là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) từ TP.HCM, Úc, Mỹ... cũng chung tay, góp tiền mua 3.000 khẩu trang N95 cho các y bác sĩ, và 1.000 khẩu trang vải cho các bạn sinh viên xa quê đang phải lưu lại các ký túc xá Đà Nẵng.
Đà Nẵng cần hỗ trợ thiết bị y tế
|
Đã có nhiều những chuyến hàng hỗ trợ, những đoàn bác sĩ, chuyên gia y tế tiếp viện cho Đà Nẵng từ mọi miền đất nước. Với người dân Đà Nẵng, đó như là những cái ôm thật chặt đủ đầy yêu thương, truyền năng lượng tích cực để người Đà Nẵng mạnh mẽ đương đầu và vượt qua dịch bệnh. Bởi, Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu/Có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến/Có hiểu được lòng nhau, mới thấu hết nghĩa tình... như lời bài hát Đà Nẵng tình người (nhạc: Nguyễn Đình Thậm, thơ: Ngân Vịnh) đang được chia sẻ mạnh những ngày này.
Bình luận (0)