Phong trong những ngày đầu tham gia chống dịch |
NVCC |
Đi tình nguyện là kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời
Lưu Hải Phong, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ hôm nay (8.10) là ngày cuối cùng được sát cánh với những đồng đội tham gia chống dịch Covid-19. Ngày mai mọi người trở lại nhịp sống bình thường.
Phong kể khi nhìn thấy đội ngũ y tế tuyến đầu cực nhọc, kể từ đầu tháng 6, anh quyết định tình nguyện đóng góp sức trẻ đi chống dịch. Ban đầu, anh đến điểm nóng Q.Gò Vấp, hỗ trợ cấp phát lương thực cho người dân. Sau đó, nam tình nguyện viên về lại Trạm y tế P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân) thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, chuyển viện F0 đến khu cách ly hay bệnh viện và hỗ trợ lấy hài cốt người mất vì Covid-19.
“Ấn tượng nhất là tình cảm của đội ngũ y tế và đồng nghiệp. Những đêm ăn chung, ngủ cùng, thức trắng đêm làm hồ sơ chuyển viện hoặc hỗ trợ trong công tác cấp cứu lâm sàng, có khi chúng tôi nguyên đêm không ngủ nhưng đến sáng ai cũng khí thế. Còn những lần tham gia giao hài cốt người mất vì Covid-19 cho thân nhân, tôi luôn bị dao động bởi những cảm xúc của người dân. Từ đó tôi suy nghĩ cần phải trân trọng bản thân, gia đình mình nhiều hơn”, Phong chia sẻ.
Lưu Hải Phong (thứ hai từ trái qua) trong những ngày tham gia chống dịch |
NVCC |
Sáng hôm nay cũng là ngày Phong được tặng bằng khen, trở về địa phương nơi mình sống, kết thúc chuỗi ngày tình nguyện đáng nhớ trong cuộc đời. Anh nói rằng cảm xúc thật khó tả, chưa thể quen được cảnh không có những người đồng đội ở bên cạnh.
TP.HCM chỉ còn quận Bình Tân chưa kiểm soát được dịch Covid-19 |
“Chào từ giã bệnh viện dã chiến số 4”
Đó là chia sẻ của Nguyễn Hồng Kỳ (35 tuổi, tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến số 4, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh) trên trang Facebook cá nhân sau 50 ngày làm tình nguyện tại bệnh viện dã chiến số 4. Hôm nay (8.10) là ngày cuối cùng Kỳ cùng làm việc với với các y bác sĩ.
“Cuối cùng thì phòng hồi sức cấp cứu còn lại cũng đóng cửa do không còn ca nặng dù bệnh viện dã chiến vẫn tiếp tục được duy trì để tiếp nhận các ca cách ly và cần thở oxy nhẹ. Đây là một dấu hiệu rất tích cực. Từ ngày mới vào làm, tôi chỉ mong phòng hồi sức cấp cứu này sớm đóng cửa và giờ cũng đã thành hiện thật”, Kỳ nói.
Kỳ bên giường bệnh chăm sóc cho các F0 |
NVCC |
Bệnh viện dã chiến số 4 trở thành một kỷ niệm, một trải nghiệm tuyệt vời của cá nhân Kỳ, với những niềm vui, nỗi buồn và cả sự vất vả.
Đó là niềm vui khi thấy bệnh nhân hồi phục được xuất viện và nỗi buồn khi phải chứng kiến những người được anh chăm sóc qua đời vì Covid-19. Anh nhớ những bữa cơm dã chiến, những giấc ngủ vội, những chiếc giường bệnh. Bên cạnh đó, Kỳ còn có nhiều kỷ niệm với các cán bộ y tế ở bệnh viện dã chiến.
Ngày cuối của Kỳ (ngoài cùng, bên phải) ở bệnh viện dã chiến |
NVCC |
Hôm nay Kỳ đi từ biệt các y bác sĩ rồi rời khỏi bệnh viện dã chiến trong một tâm trạng khó tả. Bồi hồi nhưng không muốn có ngày "gặp" lại bệnh viện dã chiến. Cuối cùng, anh mong tất cả sẽ luôn khỏe mạnh và hy vọng những bệnh nhân Covid-19 còn lại sớm trở về với gia đình.
Bình luận (0)