Tình yêu thời đi học có vượt qua được những áp lực cuộc sống?

22/10/2022 15:45 GMT+7

Không ít người có chuyện tình yêu đẹp thời đi học , thế nhưng khi bước sang một giai đoạn trưởng thành mới, liệu có bao nhiêu cặp đôi vượt qua được những áp lực cuộc sống để tiếp tục ở bên cạnh nhau?

Liệu tình yêu có đủ lớn để vượt qua những áp lực cuộc sống?

Ngô quang thư

“Chia tay vì anh ấy sợ tương lai không lo được cho mình”

Nhiều cặp đôi quen nhau từ thời còn là học sinh đến tận năm tư đại học, nhưng cuối cùng khi ra trường, đối mặt với những áp lực, những nỗi lo về tương lai họ lại đánh mất nhau.

Quen nhau gần 3 năm đại học, nhưng cuối cùng cũng phải chọn chia tay vì lý do sợ không lo được cho bạn gái. Đó là câu chuyện của N.T.H.N, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

H.N kể: “Anh lớn hơn mình hai tuổi, mình quen anh từ năm thứ 2 đại học. Bảy tháng trước, gia đình anh ấy gặp khó khăn do làm ăn thua lỗ, ảnh lại là con trai trưởng nên phải có trách nhiệm làm việc để kiếm tiền trả nợ cho gia đình. Điều này vô tình gây ra áp lực cho anh ấy, nhưng ảnh lại không chia sẻ cùng mình mà chọn cách chia tay với lý do là anh sợ không lo được cho mình, nếu tiếp tục cả hai sẽ không có tương lai”.

Không chỉ vì áp lực gia đình, áp lực tiền bạc mà nhiều người trẻ còn chia tay vì áp lực công việc, bất đồng quan điểm. “Quen nhau gần bảy năm từ thời còn là học sinh, nhưng tới khi đi làm, người yêu muốn về quê để được gần bố mẹ còn mình thì muốn ở lại Đồng Nai làm việc vì lương cao hơn và cơ hội thăng tiến cũng rộng mở hơn. Ai cũng nghĩ cho tương lai, ưu tiên cho công việc của riêng mình mà không thể cùng ngồi lại để thống nhất được nên đổ vỡ”, Trần Thị Mỹ Lệ, (22 tuổi), làm việc tại công ty TNHH Heera Vina huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ.

Nhiều người có câu chuyện tình yêu đẹp thời đi học, nhưng khi ra trường lại đánh mất nhau

NGÔ QUANG THƯ

Không chỉ những người đi làm mới chịu áp lực và dẫn đến việc phải chia tay, nhiều bạn trẻ vừa lên năm nhất đại học cũng đã gặp biến cố trong chuyện tình cảm.

Trần Hoàng Nam, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kể: “Thanh xuân 3 năm học THPT của mình rất đẹp vì có bạn ấy cùng đồng hành, mối quan hệ của tụi mình được thầy cô, bạn bè trong trường ủng hộ. Tuy nhiên, vừa lên đại học một tháng thì bạn ấy có người khác vì áp lực điểm số, sợ rớt môn nên cần một người học chung khoa để có thể chỉ dẫn cách học và chăm sóc bạn ấy”.

Nói về vấn đề vì sao càng nhiều người trẻ chia tay nhau khi đối mặt với những áp lực, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Phúc, công ty TNHH Tư vấn giáo dục và đào tạo Nhân Đức, cho biết:Mỗi giai đoạn lứa tuổi sẽ có những nhu cầu khác nhau, tình yêu thời đi học luôn là cái gì đó trọn vẹn, trong trẻo, đầy mãnh liệt vì lúc đó các bạn chưa có sự lo toan nào nên tình yêu là tất cả. Nhưng sau này khi đã ra trường, phải tự lo, tự bươn chải với cuộc sống cơm áo gạo tiền, đối mặt với vô số áp lực nên tình yêu không còn quá quan trọng nữa. Và bạn buộc phải lựa chọn cái nào sẽ tốt hơn và phù hợp nhất, lúc đó bạn sẽ chỉ ưu tiên cái gì tốt nhất cho tương lai, đó là lý do vì sao càng nhiều người trẻ chia tay khi đối mặt với những áp lực cuộc sống”.

Cùng nhau vượt qua hay chấp nhận từ bỏ?

Nhiều bạn trẻ cho rằng, các cặp đôi chọn chia tay khi gặp áp lực là do tình yêu của họ chưa đủ lớn, nếu tình yêu đủ lớn thì sẽ đủ sức để vượt qua.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Lưu Thị Thu Hương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Dù có chia tay hay không thì áp lực cuộc sống vẫn hiển hiện ở đó, chia tay xong cũng không hết áp lực. Vì vậy, mình nghĩ chia tay là do chưa đủ thương, chưa đủ hiểu. Nếu tình yêu đủ lớn thì hai người sẽ cùng an ủi động viên nhau, nhắc nhở nhau những mục tiêu cả hai mong muốn đạt được. Mỗi ngày cố gắng một chút, lúc nào gặp áp lực thì động viên, chia sẻ và an ủi cứ thế mà cùng nhau vượt qua”.

Cùng quan điểm đó, Nguyễn Hoàng Bảo, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Cuộc sống chắc chắn sẽ có những trở ngại, những áp lực mà cả hai cần phải vượt qua. Làm điều đó bằng cách chuẩn bị tâm lý thật tốt, là động lực cho nhau. Phải biết cảm thông, hy sinh và thấu hiểu, trước khi muốn từ bỏ hãy nghĩ đến lý do bắt đầu”.

Liệu chia tay có phải là cách giải quyết tốt nhất

PHÚC NGÔ

Tuy nhiên vẫn có một số người cho rằng chia tay là vì không muốn làm khổ người mình thương: “Trong một mối quan hệ, một khi đã có ý nghĩ muốn dừng lại thì dù có cố gắng kiểu gì cũng rất gượng ép. Tình yêu chỉ là một phần trong cuộc sống, nó không phải là tất cả. Nếu yêu nhau thì phải biết hy sinh vì nhau và mình nghĩ chia tay cũng là một cách để đối xử tử tế với người mình yêu”, Võ Thị Mỹ Linh, (26 tuổi) nhân viên chăm sóc khách hàng ở Q.Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng, bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Trong tình yêu, có lẽ chúng ta không nên đặt mục tiêu buộc phải cố gắng đồng hành cùng nhau, mà nên xem những khoảng thời gian này là cơ hội để đánh giá và nhìn nhận lại mối quan hệ theo một góc độ mới, tâm thế mới. Hãy thỏa thuận, trò chuyện với nhau về những thay đổi có thể xảy ra, cách thức mà mỗi cá nhân sẽ giúp đỡ, hỗ trợ người kia như thế nào cho phù hợp. Nếu có gặp áp lực, đừng im lặng mà hãy phát đi những tín hiệu để cả hai cùng giải quyết. Nếu vẫn không thể giải quyết được thì chia tay sẽ là một quyết định văn minh nhất".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.