Câu chuyện về cụ bà giữ gìn tờ lịch (ngày bà sinh ra) gần 80 năm cùng những bức thư tay hơn 50 năm về tình cảm gia đình được chia sẻ trong chiến dịch Tin nhắn tri kỷ, do nhóm Yêu Bếp tổ chức, nhận “mưa tim” cùng sự ngưỡng mộ từ cư dân mạng. Nhân vật chính trong câu chuyện là cụ bà Nguyễn Thị Danh Thơm (79 tuổi, ở TP.HCM). Chị Trần Ngọc Diễm (29 tuổi, cháu ngoại bà) là người đăng tải những hình ảnh hiếm và cổ xưa đó.
Ảnh bà Thơm thời con gái và tờ lịch từ ngày bà chào đời được giữ gần 80 năm |
Những kỷ vật vô giá
Chị Diễm kể lại ông cố chị đã giữ tờ lịch lúc ngoại ra đời (tờ lịch ngày 10.4.1943). Ngoại sau đó cất giữ thận trọng tờ lịch như kỷ vật của cha, đồng thời cũng giữ các tờ lịch quan trọng khác như ngày sinh hai con gái. Các thế hệ sau, từ mẹ chị và chị, học theo ngoại, xem tờ lịch như kỷ niệm quý giá. Ngoài tờ lịch, ngoại còn giữ những lá thư chồng gửi, dòng viết tay ngày đám hỏi, đám cưới và nhật ký viết cho bản thân…
Theo lời kể, bà Thơm lập gia đình lúc 25 tuổi. 4 năm sau, chồng bà mất ngoài chiến trận. Thời điểm đó, con gái đầu mới 3 tuổi và bà đang mang thai con gái thứ hai vài tháng. Từ đó, bà một mình nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành và coi những lá thư của chồng như báu vật.
“Bà kẹp những tờ lịch trong cuốn nhật ký và cất trong tủ quần áo, cứ giữ mãi như vậy. Hồi nhỏ mình không hiểu nhiều nên xem đó chỉ là chút kỷ niệm của ngoại. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, mình mới hiểu được những khó khăn, vất vả và hiểu hơn cuộc đời của ngoại khi đọc cuốn nhật ký”, chị Diễm chia sẻ và cho biết thêm: “Ngoại vừa làm mẹ, làm cha của hai người con gái. Trong những trang nhật ký, ngoại luôn mong các con thương yêu nhau và cố gắng làm trọn bổn phận “công dung ngôn hạnh”. Ngoại tâm sự trong nhật ký, từ ngày chồng mất, kiếp sống của ngoại gắn liền với hai con”.
Hiện bà vẫn minh mẫn, vui vẻ chăm sóc các chắt |
Luôn răn dạy con cháu sống tốt, nghĩa tình
Đọc dòng nhật ký, chị Diễm khâm phục và thương ngoại vô cùng. Từ nhỏ tới lớn, chị ở với ngoại nên chị hiểu được tình thương yêu của ngoại dành cho con cháu lớn đến nhường nào. “Đợt dịch Covid-19, ngoại bị nhiễm và điều trị tại nhà. Mình sợ ngoại không qua khỏi khi trở nặng nên rất lo lắng. Ngoại vừa điều trị vừa cầu trời khấn Phật. Có những lúc huyết áp lên, chân tay run nhưng ngoại vẫn cố uống thuốc. Ngoại đã kiên cường vượt qua. Mình được ngoại dạy những điều hay, lẽ phải”, chị Diễm bộc bạch.
Hiện tại sức khỏe bà Thơm vẫn ổn, chỉ thỉnh thoảng đau lưng, đau đầu. “Ngoại không chịu ngồi chơi, vẫn làm việc nhà. Mình mong ngoại có nhiều sức khỏe, sống thật lâu bên con cháu”, chị Diễm nói.
Ngày đám hỏi và dòng nhật ký cho con từ lúc còn nhỏ được bà ghi lại cẩn thận như dấu mốc cuộc đời |
NVCC |
Bà Thơm tâm sự, sau khi chồng mất, bà ở vậy và một mình bán hàng cà phê nuôi cha, nuôi các con. Bà nói không có nỗi đau, nỗi buồn nào như lúc ấy nhưng phải cố gắng sống nuôi các con. “Tờ lịch khi tôi sinh ra được cha mẹ trao lại nên tôi cứ gìn giữ cẩn thận. Trong gia đình, tôi cũng nhắc nhở để con cháu sinh ra đều có tờ lịch như trước. Tôi cũng mong con cháu đọc những lời nhắc nhở trong nhật ký để sống tốt, sống trọn vẹn nghĩa tình”, bà nói.
Chia sẻ thêm, bà Thơm cho biết nhìn con cháu trưởng thành, có gia đình riêng bà rất hạnh phúc. “Tôi luôn mong các thành viên trong gia đình luôn đoàn kết, thương yêu nhau. Đó là niềm hạnh phúc lớn của tôi lúc về già”, bà cho hay.
Thử thách “Tin-Nhắn Tri Kỷ” là chiến dịch cộng đồng phát động bởi nhóm YÊU BẾP (Esheep Kitchen Family) với sự đồng hành của UN Women - Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ. Đây là Thử thách mà trong đó các thành viên có cơ hội “đối thoại” với người mà bạn coi là tri kỷ để thấu hiểu, kết nối, gắn bó với nhau hơn và từ đó xóa đi khoảng cách thế hệ, nâng cao nhận thức về bạo lực giới, nhất là bạo lực tinh thần".
Bình luận (0)