Tòa tuyên án vụ Bệnh viện Nam An kiện Công ty Sen Vàng

Tòa tuyên án vụ Bệnh viện Nam An kiện Công ty Sen Vàng

13/06/2024 22:33 GMT+7

Ngày 13.6.2024, TAND quận Bình Thạnh (tại TP.HCM) đã tuyên án vụ kiện "tranh chấp hợp đồng quảng bá thương hiệu - 149" giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện thẩm mỹ Nam An) và bị đơn là Công ty Cổ phần quảng cáo thương mại Sen Vàng (Công ty Sen Vàng).

Vụ kiện "tranh chấp hợp đồng quảng bá thương hiệu - 149" giữa nguyên đơn là Bệnh viện thẩm mỹ Nam An) và bị đơn là Công ty Sen Vàng liên quan đến đại sứ thương hiệu là bà Lê Hoàng Phương, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023.

Tòa tuyên án vụ Bệnh viện Nam An kiện Công ty Sen Vàng

Trong vụ án này, bà Lê Hoàng Phương tham gia phiên tòa với tư cách người liên quan, ông Chiêm Quốc Thái (là Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Việt Mỹ) là người làm chứng.

Theo hội đồng xét xử, nghĩa vụ của bị đơn được quy định trong hợp đồng 149 là Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Việt Nam 2023 phải đảm bảo hoa hậu trở thành đại sứ thương hiệu cho nguyên đơn, nếu bị đơn thay đổi hoặc hoa hậu không đồng ý thì bị đơn phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Giải thích về hợp đồng 149, theo hội đồng xét xử, đây là hợp đồng do bị đơn đưa ra, chứa đựng những nội dung không rõ ràng nên cần được giải thích theo điều 404, 405 của bộ luật Dân sự. Trừ trường hợp các bên thỏa thuận sửa đổi nội dung, chấm dứt, mức độ bồi thường thiệt hại, nếu không hợp đồng 149 và phụ lục cần được giải thích, tiếp tục thực hiện theo hướng có lợi cho nguyên đơn, đặc biệt là các nội dung phần việc mà các hoa hậu, á hậu phải làm.

Tòa tuyên án vụ Bệnh viện Nam An kiện Công ty Sen Vàng- Ảnh 1.

CEO Bệnh viện thẩm mỹ Nam An, bà Nguyễn Thị Như Lan có mặt tại tòa sáng 13.6

THẢO NHÂN

Theo hội đồng xét xử, hợp đồng 149 đang thực hiện, bị đơn là Công ty Sen Vàng không vi phạm nên xét yêu cầu chấm dứt hợp đồng, phạt hợp đồng và hoàn tiền là không có căn cứ.

Cũng tại phiên tòa, hội đồng xét xử đánh giá bà Lê Hoàng Phương đã "xâm phạm nghiêm trọng" nghĩa vụ đại sứ thương hiệu.

Hội đồng xét xử nêu, theo tập quán trong hoạt động thương mại, đại sứ thương hiệu là người đại diện cho nhãn hàng về hình ảnh, truyền thông và thực hiện các công việc theo thỏa thuận với nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng bá cho thương hiệu. Đại sứ thương hiệu thường là người nổi tiếng, sở hữu lượng người hâm mộ tương đối lớn, họ là người hưởng lợi trực tiếp từ việc quảng bá.

Hơn nữa, hoa hậu sau đăng quang trở thành đại sứ thương hiệu là cam kết mà Công ty Sen Vàng phải thực hiện với nguyên đơn, đồng thời phải chịu trách nhiệm với bất cứ vi phạm nào của hoa hậu và á hậu khi thực hiện không đúng, không đủ.

Về mối quan hệ pháp lý 3 bên giữa Công ty Sen Vàng, bà Lê Hoàng Phương và Bệnh viện thẩm mỹ Nam An, hội đồng xét xử nêu, bà Lê Hoàng Phương phải thực hiện cùng lúc 3 hợp đồng, gồm đơn vụ với Công ty Sen Vàng, song vụ với Sen Vàng và Nam An và hợp đồng đại sứ với Nam An.

Việc bình luận của bà Lê Hoàng Phương trên Facebook của ông Chiêm Quốc Thái, theo tòa, cả bà Lê Hoàng Phương và ông Chiêm Quốc Thái đều là những người có sự ảnh hưởng đến công đồng mạng.

Tòa tuyên án vụ Bệnh viện Nam An kiện Công ty Sen Vàng- Ảnh 2.

Bình luận của bà Lê Hoàng Phương trên Facebook của ông Chiêm Quốc Thái

CHỤP MÀN HÌNH

Hội đồng xét xử phân tích: "Xét bài viết của ông Chiêm Quốc Thái có sử dụng tên, hình ảnh và số đo 3 vòng của bà Phương, quá trình trở thành hoa hậu của nhiều người gắn với yếu tố phẫu thuật thẩm mỹ. Trên trang Facebook của Bệnh viện thẩm mỹ Việt Mỹ có ghi ông Thái đang là giám đốc bệnh viện, có cơ sở ông Thái quảng cáo cho doanh nghiệp của mình".

Tại phiên tòa, các bên thừa nhận bà Lê Hoàng Phương không thông báo cho nguyên đơn và bị đơn về mối quan hệ, sự thỏa thuận sử dụng hình ảnh của bà Lê Hoàng Phương với ông Chiêm Quốc Thái.

Theo tòa, cho dù bất cứ lý do gì, hành vi này thể hiện bà Lê Hoàng Phương không trung thực khi cung cấp thông tin cá nhân để trở thành đại sứ thương hiệu cho nguyên đơn. Sự trung thực này mang tính quyết định của nguyên đơn là có giao kết hợp đồng đại sứ thương hiệu.

Hội đồng xét xử phân tích thêm, theo bộ quy tắc ứng xử trên mạng của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó nguyên tắc ứng xử trên mạng là trách nhiệm, hơn nữa áp dụng pháp luật tương tự về đại sứ du lịch thì trách nhiệm của đại sứ là nghiêm túc, hành vi ứng xử mẫu mực.

Tuy nhiên từ khi sự cố xảy ra, bà Lê Hoàng Phương chưa thể hiện được trách nhiệm cá nhân của mình trong vai trò đại sứ thương hiệu với nỗ lực và khả năng cao nhất.

Công ty Sen Vàng cho rằng lời bình luận của bà Lê Hoàng Phương chỉ là cảm ơn của bác sĩ Chiêm Quốc Thái, theo tòa, nếu tỏ lòng biết ơn, không nhất thiết phải lên mạng cảm ơn, mà thông qua nhiều hình thức khác.

Bên cạnh đó, mặc dù không có câu chữ nào trực tiếp quảng cáo cho bệnh viện của ông Chiêm Quốc Thái nhưng bà Phương mang một số đặc điểm KOC, tức khách hàng trực tiếp trải nghiệm sản phẩm dịch vụ, sau đó định hướng người khác sử dụng sản phẩm, một trong nhiệm vụ quảng bá.

Bản án nêu: "Hành vi này của bà Phương xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, làm giảm giá trị nhận diện thương hiệu, gây nhầm lẫn cho sự lựa chọn dịch vụ. Vì vậy, bà Phương có lỗi khi bình luận trên bài viết của ông Chiêm Quốc Thái. Xét trình bày của nguyên đơn cho rằng bà Lê Hoàng Phương vi phạm nghĩa vụ đại sứ là có căn cứ chấp nhận".

Theo tòa, trong vụ án, các bên không tranh chấp về hợp đồng đại sứ thương hiệu, nguyên đơn không yêu cầu bồi thường thiệt hại và các chế tài trong hoạt động thương mại đối với Lê Hoàng Phương nên hội đồng xét xử không xem xét giải quyết trách nhiệm của Lê Hoàng Phương. Các bên có quyền khởi kiện một vụ án khác để giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.