H.Q.Đ (26 tuổi), giáo viên đồng thời là chuyên gia tâm lý ở TP.HCM, kể với người viết: “Tôi đã từng bị quấy rối tình dục”. Đ. đồng ý để người viết chuyển tải câu chuyện, là góc khuất của bản thân. Đ. hy vọng khi đọc người trẻ có thêm những bài học kinh nghiệm nhằm bảo vệ bản thân, cũng như có cách để cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn này trong một ngày gần nhất.
Đ. từng ám ảnh và bị những nỗi lo sợ bủa vây khi là nạn nhân của quấy rối tình dục |
Đụng chạm, sờ soạng...
Trước đây Đ. từng hỗ trợ một “đàn anh” về vấn đề khó khăn tâm lý và công việc. Trong một lần Đ. bị ốm khá nặng, người này đã tìm đến nhà Đ. để thăm hỏi và cảm ơn. “Hôm đó, tôi còn khá mệt nên xin phép được ngồi tựa lưng trên giường để tiếp chuyện. Người ấy mang quà và sữa để nói những lời tri ân. Ngồi được một lát, người này bắt đầu hỏi tình trạng sức khỏe, rồi nắm tay tôi, xoa bóp như thể an ủi và chia sẻ. Tưởng chừng mọi thứ bình thường. Nhưng rồi người đó đảo mắt nhìn cơ thể tôi chằm chằm, sau đó có những động tác đụng chạm vào những nơi nhạy cảm trên cơ thể tôi”, Đ. nhớ lại.
Đ. kể tiếp bên cạnh việc quấy rối tình dục bằng những hành động trực tiếp, người này còn quấy rối tình dục bằng cách liên tục nói những lời lẽ “không mấy hay ho”. “Lúc đó tôi rất hốt hoảng, bất ngờ về hành động ấy, tim tôi đập nhanh. Và tôi đã tát người đó một phát mạnh, yêu cầu dừng lại những hành động đã và đang diễn ra. Sau khi nhận ra sai lầm, người này đã xin lỗi. Tôi đã khóa phòng và đuổi người này về”, Đ. kể.
Cũng sau khi sự việc xảy ra, Đ. bị nỗi lo sợ bủa vây, nên quyết định chặn trang cá nhân mạng xã hội, số điện thoại của người đã từng quấy rối tình dục mình. Nỗi sợ nhiều đến mức, giờ đây, khi sự việc đã xảy ra 3 năm, Đ. vẫn còn ám ảnh.
“Nên bây giờ, ai mà ngồi gần với ánh nhìn đăm chiêu, sờ soạng hay đụng chạm vào người tôi, hay nói đến nhà trọ chơi hay ngủ ké một đêm là tôi khiếp đảm vô cùng. Tôi lo tình cảnh cũ lại tái diễn. Và tôi luôn cảnh giác, đề phòng với người khác. Sợ lại thêm một lần trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục”, Đ. tâm sự.
Quấy rối tình dục bằng tin nhắn, hình ảnh...
Với chuyên môn của mình, Đ. thường tiếp nhận những yêu cầu để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc về tâm lý cho khách hàng, chủ yếu là những người trẻ. Nhưng cũng từ đây, Đ. tiếp tục bị quấy rối tình dục theo những kiểu không thể ngờ.
Một lần, Đ. tư vấn cho một cô gái đang gặp vấn đề về tình cảm với người yêu. Mọi thứ trơn tru cho đến một ngày, cô gái nhắn tin cho Đ. khi đồng hồ đã chuyển sang ngày mới với dòng tin: “Anh Đ. ơi giúp em với”.
“Tôi sợ cô gái ấy đang có vấn đề về tâm lý cần gỡ rối nên nói hãy trình bày. Nào ngờ cô gái bắt đầu “tấn công” tôi bằng vô số những câu từ liên quan đến chuyện nhạy cảm, chuyện quan hệ tình dục. Thậm chí, khi tôi chưa định hình được chuyện gì đang xảy ra, thì cô gái còn quấy rối tình dục bằng cách gửi hẳn một đoạn phim nhạy cảm mà cô gái đó là nhân vật chính”, Đ. rùng mình kể lại.
Một lần khác, Đ. thực hiện ca tư vấn cho một chàng trai có vấn đề về tâm sinh lý, bị rơi vào chứng nghiện thủ dâm. “Người trẻ rơi vào trường hợp ấy khá phổ biến, nên tôi không ngần ngại tìm những cách để tư vấn, hướng dẫn giúp người đó có thể cắt cơn. Đâu có ngờ, người đó chỉ nghiêm túc trong ngày đầu tiên. Rồi sau đó, gửi những hình ảnh trụy lạc và hỏi những câu hỏi vô cùng “bệnh hoạn”. Tôi ám ảnh và thật sự hoảng sợ việc bị quấy rối tình dục như vậy nên đã có thời gian tạm ngừng công việc hỗ trợ tư vấn tâm lý cho khách hàng”, Đ. chia sẻ.
Bình tĩnh và lên tiếng !
Đ. cho biết sau những lần là nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục, Đ. đã biết cách tự đề phòng. “Đó là khi có những nhân tố mà xuất hiện những chiều hướng muốn quấy rối là tôi ngắt ngang, yêu cầu họ dừng lại ngay”, Đ. nói.
Kể từ sau những lần bản thân là người trong cuộc, Đ. đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nguyên nhân của vấn nạn này. Theo Đ., quấy rối tình dục có nhiều dạng, từ trực tiếp đến gián tiếp. Từ va chạm thân thể đến việc thông qua tin nhắn, điện thoại, hình ảnh, video clip… Và nhiều nguyên nhân khiến câu chuyện quấy rối tình dục ngày càng xảy ra nhiều và không phân biệt đối tượng nam hay nữ.
“Trước tiên, do sự phát triển của kỷ nguyên số, nên những thông tin, những câu chuyện hay hình ảnh về quấy rối tình dục được chia sẻ thiếu kiểm soát trên internet khiến nhiều người bị tiêm nhiễm. Có thể nói, ở thời đại nào thì quấy rối tình dục cũng xảy ra. Nhưng hiện nay, nhiều người tiếp cận những văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn”, Đ. cho biết.
Đ. cho rằng biện pháp có thể giúp đẩy lùi vấn nạn này, đó là nâng cao nhận thức cho công dân, cho người trẻ về kiến thức, kỹ năng nhận dạng và cách ứng phó với quấy rối tình dục. Theo đó, cần tuyên truyền một cách sâu rộng và có hệ thống về quấy rối tình dục để nâng cao nhận thức. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ được xem là cơ sở quan trọng để hình thành thái độ sống đúng đắn, hành vi đúng chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền giáo dục về quấy rối tình dục đến những đối tượng như trẻ em và người yếu thế trong xã hội.
“Và khi bị quấy rối tình dục, nạn nhân cần giữ sự bình tĩnh nhất có thể để tìm nguồn lực hỗ trợ. Trên hết, thay vì im lặng thì hãy lên tiếng để chung tay bài trừ vấn nạn này”, Đ. mong mỏi.
(còn tiếp)
Bình luận (0)