Trước hết là nón bảo hiểm. Tất nhiên không thể là chiếc nón bảo hiểm không chất lượng bày bán nhan nhản hai bên lề đường. Có thể nói đây là vật bất ly thân trước khi tôi ngồi trên xe máy.
Thật lòng mà nói, không chỉ là tôi sợ cảnh sát giao thông phạt vạ mà chính là tôi sợ tai nạn giao thông xảy đến khi không có cái gì che chắn trên đầu. Điều này có thể dẫn tới chấn thương sọ não và nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế ở quê tôi, không ít người gặp phải những trường hợp này. Nhẹ thì đã có người phải phẫu thuật, mất một phần cơ thể; có người nặng hơn đã tử vong tại chỗ hoặc trên đường đến bệnh viện.
Cần tạo thói quen tốt khi sử dụng phương tiện lưu thông trên đường để bảo vệ tính mạng chính mình và người khác |
ngọc dương |
Thứ hai, kiểm tra xăng và phanh, chỉnh sửa gương chiếu hậu. Cách nay trên 20 năm, tôi vẫn còn nhớ mãi một lần đổ dốc cầu Nhị Thiên Đường, quận 8, TP.HCM với chiếc xe số chân. Tôi phải một phen hú vía khi phía trước mặt là xe tải đổ dốc với vận tốc chậm hơn và phía chiều ngược là cà đoàn xe đủ loại đang lên dốc, vì bố thắng chân đã mòn và thắng tay thì cứng ngắt do lâu ngày không sử dụng.
Thứ ba, tôi luôn luôn lái xe với vận tốc cho phép trên mỗi cung đường. Dù có chuyện gấp gáp như thế nào tôi vẫn bình tĩnh vì biết rằng có khi chỉ nhanh một giây nhưng chậm cả đời.
Thứ tư, khi đến ngã tư có tín hiệu đèn giao thông, tôi không cố tăng tốc vượt khi có tín hiệu đèn vàng và không vội vàng khởi động khi đèn xanh vừa bật, bởi tôi luôn cảnh giác phía trước sẽ có người cố vượt đèn đỏ.
Thứ năm, không bao giờ tôi lái xe ngược chiều cho dù chỉ một đoạn đường rất ngắn, mà luôn chấp hành chạy xe một đoạn đường xa để đến điểm cho phép quay đầu. Chạy ngược chiều là tình trạng mà tôi thường gặp tại các khu công nghiệp lúc công nhân tan ca hay trước cổng trường lúc học sinh ra về. Tôi luôn ý thức, đi ngược chiều là đi ngược lại sự sống.
Thứ sáu, kẹt đường xe ùn ứ tôi không bóp còi, không leo lề, không lấn trái giành đường vì như thế ngoài việc có thể gây tại nạn còn làm kẹt đường thêm.
Thứ bảy, xe lưu thông rẽ phải hay trái, tôi không bao giời quên bật xi-nhan báo rẽ.
Thứ tám, không chạy song song xe container. Khi thấy có dấu hiệu báo rẽ trái hoặc phải; tôi giảm tốc độ, nhường đường một khoảng cách khá xa bởi có thể lọt vào điểm mù.
Thứ chín, đang lưu thông, trước khi nghe điện thoại tôi dừng xe vào sát lề phải.
Thứ mười, từ đường nhỏ ra đường lớn, tôi dừng xe quan sát 2 chiều thật kỹ rồi mới đi tiếp.
Tôi có 10 thói quen như thế, còn các bạn thì sao?
Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.
Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn
Xin chân thành cảm ơn quý độc giả!
Thanh Niên
Bình luận