Vun bồi văn hóa giao thông từ trường học

07/02/2022 14:36 GMT+7

Nói đến giao thông ở Việt Nam, nhiều người nước ngoài ngán ngại vô cùng mỗi khi hòa vào dòng xe cộ trên đường. Làm gì để cải thiện hình ảnh về văn hóa giao thông của người Việt trong tương lai?

Vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo lề đường, phóng nhanh vượt ẩu, rồ ga nẹt pô, tranh giành nhau từng vòng xe lăn bánh, lời qua tiếng lại bùng nổ thành ẩu đả mỗi khi va chạm… đều hiện diện đầy trêu ngươi, nhức nhối, phết những gam màu xấu xí vô cùng lên bức tranh văn hóa giao thông Việt Nam.

Người ta cố giành phần hơn trong từng mét đường, gắng tỏ ra hơn thua đến cùng trong mỗi vụ va chạm và muôn kiểu tùy tiện trong hành xử: thích rẽ thì rẽ, xi nhan lung tung, liếc thấy vắng bóng sắc phục cảnh sát là phóng vù qua đèn đỏ…

Những “đặc sản” ấy không nên và không thể tồn tại trên hành trình xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh, tử tế. Bên cạnh việc tăng cường xử phạt vi phạm luật giao thông và phổ biến, tuyên truyền pháp luật sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng, tôi nghĩ giải pháp hữu hiệu nhất chính là vun bồi văn hóa giao thông từ trường học.

"Xếp hàng đón con", một trong những mô hình hay nhằm vun bồi văn hóa giao thông cho con trẻ từ trường học

Nhà trường phổ thông hiện nay rất chú trọng việc giáo dục trẻ ý thức tuân thủ pháp luật và hành xử chuẩn mực khi tham gia giao thông. Ngay từ lớp mầm non, những bài hát thiếu nhi với ca từ ý nghĩa và giai điệu vui nhộn về việc đi đúng làn đường, làm quen tín hiệu đèn đã nhen nhóm trong lòng trẻ thói quen tốt đẹp.

Lên tiểu học, các con học luật Giao thông đường bộ bài bản và kỹ càng hơn thông qua các buổi chuyên đề phổ biến pháp luật, hội thao an toàn giao thông đầy hứng khởi và thú vị. Bản cam kết tuân thủ việc xếp hàng đón con, để xe đúng nơi quy định được gửi đến tận tay phụ huynh, lời nhắc nhở hằng ngày của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm qua tai học trò khiến mấy bạn nhỏ cứ nheo nhéo nhắc bố mẹ đặt xe đúng vị trí, quay đầu xe đúng hướng.

Bậc trung học càng cần neo giữ ý thức tuân thủ luật giao thông hơn bao giờ hết. Bởi bọn trẻ bắt đầu điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đến trường nhiều hơn. Thậm chí nhiều học sinh dù chưa đủ tuổi học bằng lái xe đã len lén cưỡi xe máy, chở 3 và không đội mũ bảo hiểm phóng vèo vèo trên đường đến trường. Chính vì vậy, công tác giáo dục ý thức tham gia giao thông an toàn, văn minh lại càng cần thiết.

Không chỉ thông qua các bài học lý thuyết được lồng ghép trong các môn học, bọn trẻ cần những buổi chuyên đề, ngoại khóa chất lượng về các quy tắc điều khiển xe an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích bằng hình ảnh trực quan sinh động. Bên cạnh đó, tôi thấy một phong trào thiết thực và hiệu quả giúp tuyên truyền ý thức và xây dựng thói quen tham gia giao thông tử tế cho học sinh là các hội thi về an toàn giao thông được tổ chức hằng năm với các phần thi kiến thức, thi clip, thi tình huống, thi tiểu phẩm…

Bằng nỗ lực và nhiệt tâm vun bồi văn hóa giao thông từ trường học, tôi tin rằng một thế hệ trẻ tham gia giao thông với tâm thế chủ động, tích cực, văn minh và an toàn sẽ hình thành. Qua đó, hy vọng bức tranh văn hóa giao thông của người Việt sẽ được cải thiện trong tương lai gần.

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả!

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.