Bức ảnh do những người tham gia giao thông tại Hà Nội chụp lại và đăng lên mạng được chia sẻ khắp nơi, nhưng ít ai biết dòng chữ này xuất phát từ một chuyện không may của gia đình người bác sĩ (BS).
TRONG XE LUÔN SẴN BỘ SƠ CỨU
Chiếc xe nói trên là của BS chuyên khoa thẩm mỹ Phạm Tiến Mạnh (37 tuổi, ngụ Hà Nội). Sau vài lần mẹ và vợ anh ngã xe, được người đi đường gọi điện thoại thông báo, giúp đỡ, anh manh nha ý tưởng sẽ dán chữ lên xe mình.
Mới đây, người anh họ của BS Mạnh đi làm về khuya gặp tai nạn, không được phát hiện kịp thời, gần sáng mới có người nhìn thấy và đưa vào viện cấp cứu. "Lúc đó qua thời gian cấp cứu vàng nên để lại cho anh một số di chứng. Tôi bàn với vợ rồi dán dòng chữ "Tôi là bác sĩ, nếu bạn cần giúp đỡ xin hãy dừng xe tôi lại" lên xe và luôn để sẵn bộ sơ cứu y tế trong xe để có cơ hội giúp đỡ cộng đồng".
BS Mạnh cho hay anh dán chữ để khi đi đường gặp vụ tai nạn nào thì luôn sẵn sàng dừng xe góp sức sơ cứu, xử trí kịp thời. Người đi đường khi cần trợ giúp cũng có thể ra hiệu hoặc bấm còi, vượt lên… để dừng xe anh lại.
"Dù là BS chuyên khoa gì, chúng tôi đều có thời gian học y đa khoa, học cách xử trí cấp cứu, thực tập ở các bệnh viện. 15 năm hành nghề, tôi thường xuyên cập nhật đào tạo về cấp cứu và hồi sức. Có thể tôi không làm giỏi như các bác sĩ chuyên sâu về cấp cứu, nhưng tôi biết cách xử trí kịp thời, đúng hướng để tránh các tai biến đáng tiếc. Cứu chữa người bị tai nạn, ốm đau tại cộng đồng là một trong 12 lời thề y đức mà BS nào cũng thuộc làu", anh nói.
Hơn 1 tháng qua, từ ngày dán chữ sau xe, BS Mạnh chưa phải dừng xe để sơ cấp cứu tại chỗ lần nào. Anh hy vọng sẽ tiếp tục không phải dừng xe dù anh luôn trong tâm thế sẵn sàng.
CẤP CỨU KỊP THỜI QUYẾT ĐỊNH SỐNG CÒN
Theo BS Mạnh, phản xạ chung của một bộ phận người dân khi thấy người bị tai nạn giao thông là bế lên xe đưa đi cấp cứu nhanh nhất. Điều này hết sức nguy hiểm. Theo anh, khi gặp người bị tai nạn, người biết về sơ cấp cứu sẽ kiểm tra xem nạn nhân bị gì, động tác bế có ảnh hưởng hay không.
Anh ví dụ nếu nạn nhân bị chấn thương cột sống mà người xung quanh bế lên không đúng cách có thể làm chèn ép vào dây thần kinh, khiến nạn nhân có thể bị liệt hoặc thậm chí tử vong tại chỗ. Tương tự, nạn nhân gãy xương đùi khi được bế lên có thể bị mảnh xương gãy chọc vào cơ gây chảy máu, dẫn đến đau sốc phản vệ gây tử vong.
Do đó, BS Mạnh khuyên khi thấy một người ngã ra đường cần giúp đỡ, người xung quanh hãy kiểm tra những điểm đau xem có bị gãy xương hay không. Nếu gãy xương thì phải cố định chặt phần xương gãy, gọi xe cấp cứu hoặc dùng cáng đưa nạn nhân vào bệnh viện.
Chị Đặng Thùy Dương (36 tuổi, vợ BS Mạnh) cho biết khi bức ảnh xe của chồng được chia sẻ, chị đọc được nhiều bình luận, có cả tích cực lẫn tiêu cực. Chị kể: "Tôi cũng từng té xe, lúc đó đau ê ẩm, cảm thấy tủi thân bật khóc, đến khi nhận được sự giúp đỡ của người xung quanh thì mới ngồi dậy, định thần lại được. Vậy nên tôi thấy anh có kỹ năng thì tận dụng giúp cộng đồng là điều tốt".
Trước đó, chị Dương từng chứng kiến chồng xử lý sơ cấp cứu kịp thời cho người thân ở quê bị huyết áp cao trên 200, có nguy cơ tai biến và ngăn trường hợp người nhà huyết áp cao nhưng đang định truyền nước, có thể gây vỡ mạch máu não. "Trên sân bóng, gặp ai bị té anh cũng đến hỗ trợ kiểm tra, sơ cứu và đưa đi cấp cứu sau đó", chị Dương chia sẻ.
Bình luận (0)