Án mạng vì vợ ngoại tình
Chiều 23.7.2020, trong phòng xử của tòa án có rất đông người dự khán. Ngồi ở bục khai báo, bị cáo B.T.P(*) (48 tuổi, ngụ Bình Dương) cay đắng quay xuống nhìn người thân. Vụ án xuất phát từ vụ việc người chồng trả thù tình địch, vì cho rằng vợ mình ngoại tình.
P. khai, mình và chị L. kết hôn hơn 10 năm, có hai người con. P. là tài xế lái xe tải đường xa, còn chị L. mở quán cơm tại nhà. Cuộc sống hại vợ chồng tưởng chừng êm ấm thì trong thời gian buôn bán, chị L. quen biết với Th. (bị hại trong vụ án), một thanh niên hay đến ăn ở quán cơm. Thời gian sau, cả hai phát sinh mối quan hệ bất chính.
Sau những chặng xe, P. trở về nhà, nhận thấy vợ mình ngày càng thay đổi. Nghi ngờ vợ ngoại tình, P. đã lắp định vị vào xe máy của vợ để theo dõi. Một lần tình cờ, P. mở định vị thì phát hiện vợ cùng nhân tình ở một phòng trọ ở H.Củ Chi. P. lấy dao, đèn pin phóng điện rồi cùng một người bạn đi đánh ghen. Khi đến nơi, P. xông vào phòng, rút dao ra đâm “tình địch” tử vong.
"Khi bị cáo biết vợ ngoại tình, bị cáo có từng khuyên vợ không?", chủ tọa xét hỏi. P. trình bày, khi biết chuyện, P. đã khuyên cả hai nên kết thúc mối quan hệ bất chính, trở về vun vén gia đình. Khuyên vợ không thành, P. nói cho gia đình vợ biết. “Nhưng gia đình vợ cũng không tin và nói rằng phải có bằng chứng. Sự dồn nén lên đến đỉnh điểm, khiến bị cáo không chịu đựng được và đã đi đánh ghen, gây ra án mạng”, P. khai. “Bị cáo ghen tuông thì có thể giết người?”, chủ tọa chất vấn. “Bị cáo biết mình sai, lúc đó đã quá nóng giận”, P. cúi đầu thừa nhận.
“Bản án lương tâm”
Có mặt tại phiên tòa, bà L. ngồi ở hàng ghế phía sau, cố tránh đi những ánh mắt dò xét của người dự khán. Thi thoảng bà chỉ dám lén đưa mắt nhìn chồng rồi cúi mặt khóc rưng rức.
Chủ tọa thẩm vấn, khó khăn lắm bà mới trình bày được những điều mà trước đây bà không có can đảm thừa nhận. “Bà có quan hệ tình cảm với anh Th. bao lâu?”. “Dạ, khoảng 5 - 6 tháng”, bà L. ngập ngừng, rồi nói tiếp: “Thưa tòa, anh P. là một người hiền lành, thương vợ, thương con. Chưa một lần anh P. phản bội tôi, chỉ có tôi sống sai với anh P. thôi. Lỗi này là do tôi ngoại tình mới đẩy chồng vào con đường tù tội”. Bà L. nhận hết trách nhiệm về mình và nghĩ rằng những điều này có thể giúp chồng giảm nhẹ hình phạt.
Nhưng theo HĐXX, theo quy định người nào phạm tội thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Bị cáo P. không thể giải quyết cơn ghen tuông bằng cách giết một mạng người. Còn hành vi của bà là về mặt đạo đức, là bản án lương tâm. Bà là người vợ, người mẹ, lẽ ra phải chăm lo cho gia đình… Bà nhận ra sai lầm là một điều tốt, tôi chỉ mong bà đừng phạm phải nữa…”, chủ tọa nói.
Trong sự hối hận tột cùng, bà L. nói trong tiếng nấc: “Tôi đến đây, để chịu hết những sự trách móc, dèm pha về mình. Xin tòa cho tôi lãnh án thay cho anh P. vì tôi không thể tha thứ cho mình được… Tôi cũng không xứng đáng là một người vợ, người mẹ…”.
Nghe vợ nói, P. chỉ biết ngoái đầu nhìn, rồi thở dài bất lực… Nói lời sau cùng, P. xin lỗi gia đình bị hại, hối hận về hành vi ghen tuông của mình đã gây ra sự mất mát quá lớn.
Sau khi tòa tuyên án, P. đưa mắt nhìn gia đình, rồi lầm lũi lên xe bít bùng trở về trại giam. Còn bà L. với gương mặt trắng bệch, bước thất thểu ra khỏi phòng xử. Bà gục xuống sân tòa, miệng lẩm bẩm: “Lỗi là tại tôi. Tôi ân hận quá…”, rồi liên tục xin lỗi gia đình chồng, gia đình bị hại. Những người thân lại khuyên nhủ bà: “Lỗi lầm đã gây ra mọi người đã tha thứ. Mình phải sửa lỗi để lo cho con…”. Nhưng bà L. vẫn cứ tự đấm vào ngực mình rồi gào khóc. Có lẽ, với bà đây là sự day dứt, ân hận suốt cuộc đời…
Đánh ghen không phải là giải phápTheo TS Phạm Thị Thúy, có nhiều lý do dẫn đến việc ghen tuông gây án mạng. Thứ nhất, do sự thù ghét, đây là cảm xúc rất tiêu cực. Tức là khi yêu người ta đặt niềm tin vào ai đó mà bị phản bội thì họ sẽ cảm thấy đó là sự phản bội nghiêm trọng nhất, không chấp nhận được và họ muốn hủy hoại người gây ra đau khổ cho họ. Thứ hai, do cảm xúc nhất thời, thường vụ việc ghen tuông gây ra án mạng đều xảy ra trong cơn trong sự nóng giận, mất kiếm soát. Họ không thể tâm sự với ai làm cho cảm xúc của nguội bớt. Đa phần, khi thực hiện xong hành vi thì sau này sẽ hối tiếc. Thứ ba, là bị đối phương thách thức, rất dễ có hành động bạo lực ngay sau đó. Ngoài ra, còn một lý do khác là sau khi bị phản bội, người này bị tác động bởi những người xung quanh xúi giục dẫn đến thiếu kiềm chế.
Theo TS Thúy, trong tình huống ngoại tình, việc đánh ghen không phải là giải pháp. Vì hậu quả của việc đánh ghen sẽ khiến “tan đàn xẻ nghé”, tự làm mất đi danh dự của mình, của gia đình, rồi hình ảnh của người bố người mẹ trong mắt các con. Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, chúng ta phải tôn trọng người mình yêu. Cho dù hết tình cảm thì việc đối xử với nhau và quyết định chia tay phải tử tế. Đặc biệt là phải chuẩn bị tâm lý trước cho đối phương, đừng đột ngột rời xa một ai đó, người ta sẽ cảm thấy sốc và cảm xúc sẽ đẩy lên cao. Khi nói những chuyện khiến người khác giận dữ hoặc thất vọng thì không nên nói ở những nơi quá riêng tư, vắng người vì lúc đó đối phương sẽ ra tay mà họ không sợ gì hết. "Bản thân chúng ta phải quan sát được cảm xúc của đối phương, không để mặc cho cảm xúc bản thân bị chi phối. Kiểm soát tốt thì sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng", TS Phạm Thị Thúy nói.
|
Bình luận (0)