Ở đời ai cũng có những lần đầu tiên, đó là lần đầu đến với giảng đường y khoa, và đặc biệt nhất là lần đầu tiên hiểu được cảm giác “ăn dầm nằm dề” chống dịch Covid-19 cùng đồng đội, đồng nghiệp và các tình nguyện viên với đủ mọi cảm xúc.
Thật sự lúc đầu tôi có hơi bối rối
Thật sự không dễ dàng khi vừa chân ướt chân ráo ra trường, lại rơi trúng vào mùa dịch bệnh hiểm nghèo. Khi dịch Covid-19 ở Sài Gòn trở nên phức tạp hơn, là lúc các bệnh viện trưng dụng 100% đội ngũ y bác sĩ đi chống dịch, lúc ấy cũng đã chuẩn bị tinh thần chỉ cần gọi thì sẽ đi…
Mỗi ngày đến bệnh viện, thì cứ một tuần là lại được xét nghiệm xem có mắc Covid-19 không, rồi cặm cụi với công việc của mình, áp lực rất nhiều rồi, giờ lại bước vào tâm dịch với tâm thế bỡ ngỡ, tôi cũng có những điều băn khoăn nhất định.
Thật sự lúc đầu tôi có hơi bối rối, tâm lý không thoải mái vì đang đi học, sợ rằng sau khi chống dịch về thì sẽ phải cách ly, tôi không thể tiếp tục đi học được, nhà thì neo người có mỗi hai mẹ con, mẹ tôi cũng ngoài 65 tuổi rồi.
Lần đầu tiên mặc đồ bảo hộ thật sự không dễ thích nghi
Một buổi tối sau giờ làm về nhà, nhận được lệnh điều động với cõi lòng nhiều tâm sự, tôi có nói chuyện với mẹ. Mẹ là người giúp tôi trấn an, cho tôi hiểu rằng đây là nghĩa vụ với xã hội, nhân lực bệnh viện nào cũng đi, tất cả đều cùng mục tiêu dập dịch thành công, đem lại cuộc sống ấm no bình thường như nó vốn có.
Tôi phải đi để cống hiến, để chung tay giúp đỡ đồng đội của mình, những người đang kiệt sức dần vì làm việc 12 - 18 tiếng một ngày, không có ngày nghỉ và để giữ lấy sự trong trắng của chiếc áo blouse đang mang trên người.
Lần đầu tiên mặc đồ bảo hộ thật sự không dễ thích nghi, cả ngày nóng ran khi nhiệt độ ngoài trời mùa này toàn đạt ngưỡng 40 độ C, cả người ướt sũng mồ hôi, những cục mụn bắt đầu mọc khắp lưng ngứa vô cùng, vết khẩu trang hằn sần lên gò má, cổ họng thì khô cứng đi vì cứ phải nói lớn, nói nhiều mà không dám uống nước, sợ rằng sẽ hỏng một bộ đồ phòng hộ.
Mọi người ơi, người đời hay nói nghề chọn người chứ mấy khi người chọn được nghề, và nghề nào cũng cao quý, có cái sướng cái khổ riêng.
Với tôi, màu trắng của chiếc áo blouse đang mặc là hoàn thành ước mơ từ ngày ba tôi còn tại thế, thiêng liêng và cao quý lắm. Vậy nên qua mỗi ngày làm việc, tôi chuyển dần cảm xúc cá nhân từ sợ hãi, lo lắng thành cảm xúc yêu nghề, yêu người, yêu đời hơn.
Nhiều hôm sau một ngày đi tiêm chủng cho người dân về, người mệt lả đi, vừa kịp ngả lưng được một chút thì có lệnh điều động đi gấp, yêu cầu 30 phút sau quần áo bảo hộ đầy đủ, có mặt trên xe đặc chủng đi đến địa phương để lấy mẫu.
Nói vui nhưng trong giấc ngủ gật của tôi và mấy đồng nghiệp trên xe, thiếu đi tiếng còi hú là ngủ không được, kiểu như yêu nghề thì yêu luôn tiếng còi hú, tranh thủ ăn, tranh thủ ngủ ngay trên xe.
Dịch Covid-19 căng thẳng nên chuyện lấy mẫu, xử lý, nhập liệu từ khuya đến sáng là bình thường. Mình là thân con trai còn đỡ, mấy đồng nghiệp, bác sĩ, điều dưỡng nữ rất cực. Mình thanh niên sức khỏe còn mạnh còn thấy áp lực nặng, thì những người bao năm cống hiến với nghề, còn đủ thứ phải lo ở nhà mới thấy nể trọng nhường nào!
Đi riết thành ghiền
Nhưng thật sự đi riết không có ngày nghỉ, lại thành ra ghiền đó mọi người, ngày nào không thấy có tên hay bận việc học không đi cùng các anh chị đồng nghiệp lại thấy khó chịu.
Nếu hỏi mùa này nỗi buồn nào lớn nhất, thì với tôi là tiếp xúc với một ca Covid-19 mới, mình vô tình sẽ là F1, F2, bối rối lắm vì không biết có khi nào mình phải đi cách ly, không được tiếp tục chống dịch với mọi người; hay buồn khi vài lần lấy mẫu cho người dân ở chợ, lúc chờ kết quả test nhanh thấy vài mẫu gộp dương tính.
Tôi nhớ mãi một ngày cuối tháng 6, mọi người cùng lãnh đạo bệnh viện ăn cơm hộp, bánh bao, bánh mì chống đói chia sẻ với nhau. Các bác lãnh đạo đều chung một quyết tâm là dẹp bằng được đại dịch.
Rồi cái ngày xui rủi cũng tới, trong khi làm nhiệm vụ tôi vô tình trở thành F2, thật sự vô cùng căng thẳng, bối rối, không biết có được tiếp tục tham gia chiến dịch nữa không. Sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo, các nhân viên nào đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ được tiếp tục công việc, miễn là phải trang bị đủ đồ phòng hộ và thực hiện 5K. Tôi không ngần ngại xung phong tiếp trên các mặt trận.
Nghề cao quý hay không chính là những lúc này
Không phải tự nhiên xã hội trân quý tặng riêng câu “lương y như từ mẫu”, là bác sĩ, trong mùa dịch này cũng như là chiến sĩ. Nghề cao quý hay không chính là những lúc này, người dân cũng cần mình nhất lúc này, người làm nghề có kính nể hay không, là lúc này mình có dám bước chân vào gian nguy không.
Khi được tiếp xúc với người dân, tôi mới hiểu được đây là sứ mệnh thiêng liêng của những người đầu tiên nhận được 2 mũi vắc xin, là sứ mệnh của những người khoác trên mình chiếc áo blouse.
NGỌC PHÚ
Tôi viết ra những lời này để chia sẻ với mọi người, mong mọi người hiểu cho cái sướng, cái khổ mà mỗi ngày tôi và các y bác sĩ phải đối mặt, khi dịch bệnh căng thẳng vào thời điểm tháng 7.2021.
Chúng tôi trân quý lắm những suất cơm, những ổ bánh mì, những thùng nước, những giỏ trái cây của mọi người ủng hộ. Chúng tôi cũng đỏ hoe mắt khi tiêm vắc xin thành công cho những cô chú lớn tuổi, những người làm các công việc rủi ro cao. Chúng tôi thấy hãnh diện khi mỗi ngày hình ảnh mình “cày việc” lan tỏa những năng lượng tích cực đến mọi người.
Hãy cùng nắm chặt tay, cùng sống với nhau bằng sự chia sẻ, như chính lời tự sự của ca sĩ Hà Anh Tuấn khi góp 10 tấn gạo, 50.000 quả trứng và 300 lít dầu ăn, rằng: “Khi mệt, cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm, mai mình tính tiếp. Tôi viết lên đây để nếu bà con nghèo biết để nhận cơm và tiếp tục ủng hộ những nơi đang xung phong thổi bếp. Và để biết, tôi đã được Sài Gòn nuôi dưỡng ra sao. Sài Gòn làm ta nhớ nhau vô cùng”.
Tôi không còn sợ, không còn mệt nữa mọi người ạ, hãy thực hiện 5K và cùng nhau cố kết cho một cuộc sống mới bình thường nhưng không hề tầm thường, mọi người nhé!
Thông tin bài viết này được tác giả viết vào thời điểm tháng 7.2021.
Bình luận (0)