Ba giúp người quen, má giúp người lạ

30/10/2021 00:08 GMT+7

Ba má tôi đều là giáo viên về hưu. Lẽ ra, khi đã rời xa bục giảng, không còn bận bịu với công việc giảng dạy, ba má sẽ thảnh thơi.

Thế nhưng kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều tỉnh, thành lao đao, điêu đứng, cũng là lúc ba má tôi... bận bịu hơn rất nhiều.

Thương người xa quê lam lũ mưu sinh

Má "mắng vốn" rằng tiền điện thoại mà ba tốn trong 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9), có lẽ bằng tổng số tiền mà ba mua card trong hơn... 4 năm qua.

Ba giải thích, vì ba gọi điện thoại 'quá trời quá đất'. Nên tốn tiền nhiều là đương nhiên.

Ba kể, phần lớn người dân ở xã vào miền Nam lập nghiệp. Rời quê để tha hương cầu thực, mang theo ước mong có cuộc sống đỡ khổ hơn, đủ đầy hơn.

Bao năm qua, trong những người mưu sinh xứ lạ, cũng có người thiếu hụt, cũng có người khá giả. Cuộc đời của mỗi người cũng không ít lần lên thác, xuống ghềnh. Nhưng năm nay thì khác. Những đợt dịch đổ ào đến liên tục. Ba biết chắc, ai cũng dập bầm, tơi tả.

Vậy là hơn 50 người cùng xã đang là công nhân ở Bình Dương; là sinh viên đang kẹt dịch ở lại Sài Gòn; là lao động chân tay ở Đồng Nai đều ít nhất đã... hơn chục lần nhận được những cuộc điện thoại của ba trong suốt hơn 4 tháng. Có người là bà con dòng họ. Có người là học trò cũ. Có người cùng xã nhưng khác xóm. Có người "ba nghe nói hình như cũng đang mưu sinh ở Sài Gòn"...

Bữa ăn nào, ba má tôi cũng đau đáu nỗi lo việc cần phải tiếp sức cho người khó khăn gượng dậy sau dịch Covid-19

Ba dò hỏi tìm số điện thoại từng người. Ba gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe, động viên và trấn an tinh thần những người đồng hương đang trụ lại ở xứ người. Hơn hết, ba xin địa chỉ tạm trú cụ thể, để chuyển vào những món quà (cá khô, rau sạch, mì tôm, nước tương, gạo và phong bao đựng tiền) nhằm tiếp sức, giúp vững tâm chống dịch.

Ba kể, những món quà ấy có được từ việc ba gọi điện thoại 'hết người này đến người kia', vận động bà con trong xóm, trong xã. Từ những người quen biết đến những người đồng nghiệp. Có người ủng hộ một trăm ngàn, hai trăm ngàn. Có người "cho tui góp năm chục". Có người cố dũi những tờ tiền một ngàn, hai ngàn cho phẳng phiu để hùn hạp... Ai nấy đều thương cảm cho những người cùng quê đang kiệt quệ nơi xa xứ.

Từ quê tôi (ở Quảng Ngãi) đến Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương cách nhau lên đến cả ngàn cây số. Tôi bất giác nhận ra khoảng cách địa lý có thể cách xa, nhưng lòng tốt và tình người thì chẳng hề xa cách.

NGUYỄN NAM PHƯƠNG

Giúp người lạ

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 không những 'càn quét' các tỉnh, thành phía Nam, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều địa phương khác trên cả nước. Để rồi trong khi ba tôi thì lo cho người thân, người quen, thì má tôi lại lo cho... người dưng, người lạ.

Ba tôi cũng 'mắng vốn' "má cũng thích lo chuyện bao đồng". Hóa ra, trong thời gian dịch giã hoành hành khắp nơi, hằng ngày má cũng bận bịu, lu bu, tất bật cùng với các chị, các cô trong hội phụ nữ xóm, tìm cách giúp đỡ người dân ở những vùng dịch bệnh.

Hễ nghe thời sự trên ti vi thấy người dân ở những điểm nóng Covid-19 đang chao đảo vì dịch bệnh, hay nghe tin huyện nào, tỉnh nào đang oằn mình chống dịch, là má cùng "hội chị em" vội vàng rủ nhau hái bí, nhổ rau, góp gạo, góp mì... Sau đó đóng thùng, thuê xe, lo thủ tục giấy tờ để xe được thông hành, nhằm gởi đến tận nơi san sẻ.

Có xe chất đầy rau củ quả, muối đậu, muối mè... cập bến Bình Dương. Có xe chở những món quà quê thơm thảo, nào là ớt, là bí đao, là khổ qua, là rau muống, là đọt lang... gởi tặng người dân Phú Yên, Sài Gòn, Đà Nẵng. Rồi có xe chở đầy những phần ăn nấu sẵn để tiếp sức người dân huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) bị dịch giã hoành hành... Xe nào cũng mang dòng chữ đề tặng: "Gởi bà con ăn mà có sức chống dịch. Mong bà con nhanh chóng vượt qua thời điểm khó khăn".

Má tôi (phải) cùng "hội chị em" nấu đồ ăn để trao gởi cho người dân vùng dịch

Lúc nghe má kể lại, tôi rưng rưng vì xúc động. Vì đâu có ngờ, rằng ba tôi, má tôi, những cô chú chòm xóm láng giềng, những con người nhà quê chất phát và lam lũ ấy, đã viết nên bao câu chuyện đầy cảm xúc, đầy tình người như vậy.

Má tôi nói, xứ mình từ bao đời nay đã nhiều phen lao đao oằn mình vì triền miên thiên tai lũ lụt. Mà hễ mỗi khi gặp nạn, người dân khắp nơi đều dành tình cảm yêu thương hướng về mảnh đất xứ mình. Họ giúp tiền của. Họ giúp quần áo. Họ giúp nhu yếu phẩm...

Cứ thế, họ ôm xứ mình vào lòng trong những cơn bí bách và nguy khó. Nhờ vậy mà xứ mình mới gượng dậy, hồi sinh, vượt qua được những túng thiếu, cơ hàn.

Thế nên khi thấy dịch giã bùng phát ở khắp nơi, trong lòng má lại thấp thỏm và đau đáu những nỗi lo. Má chẳng thể ngồi yên khi thấy đồng bào của mình đang khổ. Nên má rủ mọi người cùng nhau góp những quả bí, ký gạo, bó rau... gởi tặng những người đang lao đao vì dịch bệnh.

Má mong được góp một chút sức, như trồng thêm một cây nhỏ vào rừng cây mênh mông tình người, để giúp họ có thể nhanh chóng vượt qua cơn bĩ cực...

NGUYỄN NAM PHƯƠNG

Nghĩa đồng bào luôn được ươm ủ, lớn lên

Ba dặn tôi, trong cuộc đời này, nghĩa đồng bào là bảo vật tinh thần rất quan trọng, là thứ vô giá. Nghĩa đồng bào vốn dĩ như một “đặc sản” của người Việt, luôn hiển hiện một cách tự nhiên tựa như hơi thở. Được lan truyền từ đời này sang đời khác, dù cho cuộc sống có biến thiên thế nào đi chăng nữa.

Nghĩa đồng bào ấy luôn được ươm ủ, lớn lên, hòa kết, đắp bồi theo từng giây, từng phút và không ngừng được nhân rộng, tỏa lan mạnh mẽ.

Nghĩa đồng bào chính là chỗ dựa giúp mọi người vượt qua bao khó khăn, phong ba bão táp trong cuộc đời. Và, trong những thời điểm cả nước chới với, gồng mình bởi đại dịch Covid-19 cũng thế. Nghĩa đồng bào - một vẻ đẹp của phẩm cách - cũng luôn lấp lánh, rực rỡ và bừng sáng.

Tôi chợt nhận ra, cũng chính vì nghĩa đồng bào ấy, mà ba tôi, má tôi lo lắng và thương yêu những người lạ, người dưng, người không thân thuột hệt như người máu mủ, ruột rà.

Những ngày cuối tháng 10, dịch Covid-19 dần “hạ nhiệt” trên cả nước. Những lệnh giãn cách xã hội dần được tháo gỡ. Nhưng ba má tôi chưa thể yên lòng. Bởi ba tôi nói, Covid-19 tràn đến liên tục như những con sóng dữ. Mà đợt sóng sau lại hung hăng, tàn bạo hơn đợt sóng trước. Rồi từ đó đã để lại những hậu quả quá đỗi trầm trọng, nặng nề. Nhất là đối với những người nghèo, những người khốn khó, những mảnh đời không nơi nương tựa, chơ vơ. Họ bị bào mòn sức cùng lực kiệt... Họ không thể ngày một, ngày hai có thể gượng dậy sau dịch. Họ cần được tiếp sức.

Thế nên giờ đây, trong bữa ăn nào cũng vậy, ba má tôi cũng nghẹn ngào khi nghĩ đến những người lạ, người dưng. Ba tôi giọng rầu rầu, nói nhà mình có gạo ăn đầy sẵn trong thùng phuy, có rau ngoài sau vườn, ra suối ra mương là tìm có cá. Trong khi biết bao nhiêu người xã mình trụ lại ở nơi chốn mưu sinh phương xa thì chật vật, thiếu thốn...

Nói đoạn, rồi ba quyết định tháng này sẽ dồn cả khoản tiền lương hưu còm cõi, cộng thêm ít tiền đã dành dụm được. Ba tính sẽ tiếp tục gọi điện vận động những người quen thân, những đồng nghiệp cũ... để gom góp tiền nhằm "tiếp sức" những đồng hương khổ cực đang trụ lại Sài Gòn, Bình Dương...

Má đồng ý 'cái rẹt'. Má còn bảo sẽ rủ mấy chị em chòm xóm tiếp tục hùn hạp từng ký gạo, bó rau... để chung tay góp sức, giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế, đang thiếu cơm ăn áo mặc. Để họ có thể vơi đi những cơ cực lúc này.

Có lẽ mai mốt gì đấy, những chuyến xe yêu thương đong đầy, chở những món quà hương đồng gió nội, chứa đầy sự sẻ chia, đậm đà tình người, sẽ lăn bánh từ quê tôi đến nhiều tỉnh, thành thêm vài lần nữa...

NGUYỄN NAM PHƯƠNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.