Khi Báo Thanh Niên đăng bài điều tra Hàng loạt “người chết sống lại” ký giấy cho tặng đất, nhiều bạn đọc tỏ ra bất ngờ, ngạc nhiên xen lẫn cảm xúc giận dữ về hành vi sai trái của một số cán bộ ở xã Quảng Châu, H.Quảng Trạch (Quảng Bình).
Là người tiếp nhận và xử lý thông tin vụ việc, lúc đầu tôi cũng nửa tin nửa ngờ. Khó có thể quên được cảm giác khi lật từng trang hồ sơ lưu trữ tại UBND xã Quảng Châu vào ngày 4.10. Càng đối chiếu, lật giở các trang hợp đồng, sổ lưu khai tử, khai sinh…, tôi càng bần thần bởi quá nhiều sai phạm dần lộ ra. “Những thông tin về nhân thân… ghi trong hợp đồng này là đúng sự thật”. Dưới dòng chữ đó, hai bên cam đoan rồi cùng ký tên. Thế nhưng, những người làm và ký hợp đồng cho tặng đó lại “nằm” trong sổ khai tử lưu và giấy chứng tử tại một số hồ sơ khác. Có người đã chết từ hàng chục năm trước.
Dân gian hay nói, sống ở làng, nhà ai mổ con gà hàng xóm cũng biết. Vậy tại sao những chuyện “kinh thiên” như thế diễn ra và tồn tại bấy lâu nay ở Quảng Châu? Thật khó để biện minh cán bộ xã không biết; cũng không thể cho rằng người dân giỏi che đậy, qua mặt được cán bộ xã. Nhất là khi các hồ sơ cho tặng được làm tại trụ sở UBND xã, được cán bộ tư pháp xã thực hiện và lãnh đạo UBND xã xác nhận…
Trong số những lãnh đạo UBND xã ký duyệt, có người đã về hưu, có người lên chức. Cán bộ tư pháp hộ tịch lúc đó giờ cũng đã là lãnh đạo xã. Khi biết tôi bắt đầu chạm vào “tảng băng chìm” ấy, một cán bộ xã liên tục gọi điện, nhắn tin đề nghị “làm ơn giơ cao đánh khẽ”. Nhưng khi Báo Thanh Niên đã đăng bài, ông này thay đổi hẳn thái độ: “Tui có hết chứng cứ về chú rồi, để tui nghỉ việc đã rồi tui cung cấp cho tổ chức (…). Tui nói trước, ân hận day dứt sẽ bám theo suốt cả cuộc đời chú” (?!).
Chẳng ai đấu tranh chống tiêu cực mà “ân hận” cả. Một khi có kẻ dám cho người chết “sống”, thì người làm báo sao lại thỏa hiệp?
Bình luận (0)