Nỗi lo 'tăng lương, tăng giá'

Thu Hằng
Thu Hằng
22/11/2019 07:29 GMT+7

Ngày 12.11, Quốc hội biểu quyết thông qua việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Đến ngày 1.7.2020, mức lương này mới bắt đầu áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang làm việc trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nhưng sáng 19.11 khi ra khu chợ gần nhà, tôi đã thấy đây là chủ đề bàn tán sôi nổi của các bà nội trợ và tiểu thương.
Tăng lương tưởng chừng là mối bận tâm của cán bộ, công chức viên chức và người lao động, nhưng thực tế nó tác động, ảnh hưởng đến từng bữa cơm, đến sinh hoạt của mọi người dân.
Thay vì vui mừng, tăng lương trở thành nỗi lo của nhiều người. Như một “kịch bản” định sẵn, mỗi lần tăng lương, giá cả thị trường lại leo thang. Thậm chí, lương chưa tăng, giá cả đã tăng. Cách đây 1 tháng, khi giá thịt heo trên thị trường tăng chóng mặt, các bà nội trợ phải đắn đo cân đối chi tiêu, nay họ lại thêm mối lo giá cả thực phẩm “té nước theo lương”.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê trong tháng 7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,18% so với tháng trước và có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá. Trong đó, nhóm thực phẩm; lương thực; nhà hàng và dịch vụ ăn uống; giải trí và du lịch… tăng mạnh nhất. Nguyên nhân được chỉ ra là do lương cơ sở tăng từ 1.7 và giá một số nguyên liệu đầu vào tăng.
Làm sao để tăng lương đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người lao động? Việc tăng lương 110.000 đồng/tháng lần này cũng là để trả lời câu hỏi trên. Tuy nhiên, nếu chỉ tăng lương mà không có những giải pháp tổng thể thì người lao động vẫn là người thiệt thòi nhất. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp để tăng lương được thực chất, đời sống người lao động được cải thiện, không còn nỗi lo “tăng lương, tăng giá”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.