Thời buổi kinh tế thị trường, doanh nghiệp ký hợp đồng thực hiện dự án bất kỳ thì tự vận hành, tự kinh doanh và lời ăn lỗ chịu. Đó là điều đương nhiên. Doanh số không tăng thì phải tiết giảm chi phí, quản trị bộ máy; sản lượng giảm thì phải thay đổi mẫu mã, áp dụng công nghệ, mở rộng đối tác, địa bàn... nói chung phải tìm đủ cách.
Làm gì có chuyện lời thì hưởng, khó thì đòi chia sẻ rủi ro, lỗ thì trả lại nhà nước chịu. Đề nghị của VETC đúng là chuyện ngược đời. Đã là chuyện ngược đời, trái với nguyên tắc thị trường, tất nhiên không thể đáp ứng, không thể chấp nhận để tạo ra các ngoại lệ không tốt cho thị trường.
Mà chẳng phải chỉ VETC làm chuyện ngược đời, nhiều nhà đầu tư BOT cũng đang cố tình làm chuyện ngược đời, đó là trì hoãn thu phí tự động bằng mọi giá. Nói ngược là vì cả thế giới người ta áp dụng công nghệ, chúng ta cũng đang hô hào cách mạng 4.0 nhưng các đơn vị này lại không muốn, không thích.
VETC thì đổ lỗi cho nhà đầu tư BOT, nhà đầu tư cũng đổ lỗi cho VETC... Chưa xét ai đúng ai sai nhưng việc cố tình hoãn một giải pháp được thừa nhận là thuận tiện và minh bạch thì chỉ có thể là không muốn sự minh bạch mà thôi. Chứ trong quá trình vận hành, khó đâu gỡ đó, vướng nơi nào thì tháo nơi đó.
Hai bên chưa tháo được thì còn có bên thứ 3 là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ở đây là Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT... để giải quyết chứ làm gì có chuyện đơn vị này đòi trả lại hợp đồng, đơn vị kia không bàn giao làn thu phí để đầu tư lắp đặt hay không trả phí dịch vụ vận hành.
Đáng nói là những chuyện ngược đời như thế này vẫn xảy ra không ít. Hồi tháng 6 vừa rồi, chủ đầu tư dự án BOT QL91 Cần Thơ - An Giang có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn QL91. Trong đó, chủ đầu tư đã kiến nghị nhà nước nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư. Trước đó, hàng loạt BOT cũng xin trả lại dự án cho nhà nước...
Tất nhiên, khi có nhiều chủ đầu tư xin trả lại dự án trong một lĩnh vực, cũng cần xem lại cơ chế, chính sách, quá trình vận hành, trách nhiệm của các bên. Nhưng dù vì lý do gì thì không chấp nhận kiểu thấy ngon ăn thì nhảy vào nhưng khó khăn thì trả lại nhà nước chịu.
Trong việc thu phí không dừng thì lại càng không thể. Chúng ta đều biết, Chính phủ quyết liệt áp dụng thu phí không dừng bởi sự minh bạch, công khai, tiện lợi của nó sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến thu phí theo hình thức truyền thống (thu tiền mặt).
Những đòi hỏi, yêu sách ngược đời như thế này cần phải kiên quyết bác bỏ để không tạo tiền lệ xấu, gây méo mó môi trường đầu tư nói chung.
Bình luận (0)