Những dấu hỏi trên thị trường thịt heo

15/12/2019 06:52 GMT+7

Bỗng dưng khoảng chục ngày nay, thịt heo tăng giá liên tục, lập hết đỉnh này tới đỉnh khác, thậm chí “vỡ trận”... dù chẳng ở đâu không có thịt heo bán. Hiện tượng này có thể nói là hết sức vô lý.

Giá thịt heo tăng phi mã trong nhiều ngày, đến hôm qua đã 'đụng nóc', lên tới 92.000 đồng/kg heo hơi. Nguyên nhân được cho là vì khan hiếm nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến heo bệnh tiêu hủy nhiều, người nuôi cũng không dám tái đàn.
“Bề nổi” thì đúng như vậy. Dịch tả lợn châu Phi là có thật. Thế nhưng nguồn cung khan đến thế mức nào thì không ai biết cụ thể. Còn thực tế thì chưa thấy ở đâu người dân không mua được thịt heo do hết hàng. Chợ đầu mối, trong các chợ lẻ cũng như hệ thống siêu thị, thịt heo vẫn nhiều. Vậy mà tình trạng “giá cao nhưng người nuôi không còn heo để bán” liên tục được phát ra từ nhiều tháng nay. Thế là giá heo cứ tăng vùn vụt, lập hết đỉnh này tới đỉnh khác. Thịt heo là thực phẩm thiết yếu nên giá heo tăng, giá hàng loạt mặt hàng liên quan đến thịt heo đều tăng. Những mặt hàng thực phẩm chẳng liên quan gì đến heo cũng tăng vì “cầu tăng bù đắp cho thiếu hụt thịt heo, mà cầu tăng thì giá tăng”, như giải thích của nhiều tiểu thương. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới bữa cơm của mỗi gia đình, thậm chí tác động mạnh mẽ lên chỉ số giá tiêu dùng CPI. Tháng 11 vừa qua, giá heo và những mặt hàng chế biến liên quan đến thịt heo tăng, đẩy CPI tăng cao nhất trong 9 năm.
Câu hỏi đặt ra là số lượng heo có bị hụt không? Chắc chắn có, bởi heo dịch phải tiêu hủy là sự thật. Thế nhưng cũng có một sự thật là khi có dịch tả, nhiều tập thể, cá nhân, hộ gia đình cũng có tâm lý giảm thịt heo, chuyển qua sử dụng các thực phẩm khác. Chưa kể thịt heo nhập cũng tăng mạnh. Tính đến hết tháng 8, lượng thịt heo nhập khẩu cao gấp 3 lần cùng kỳ. Thế nên cung - cầu vẫn luôn khớp lệnh, giá heo thời điểm này cũng bình bình, không tăng như dự báo của nhiều người. Bản thân cơ quan chức năng từ đầu năm đến cuối tháng 10 vẫn khẳng định, không lo thiếu thịt heo dịp tết. Tại TP.HCM, nơi tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước, thịt về các chợ đầu mối vẫn ổn định. Các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp tham gia bình ổn đều có kế hoạch cung ứng đầy đủ cả thường nhật và tết. Không có gì bất thường. Đến đầu tháng 12, không ít phiên các chợ đầu mối tại TP.HCM, thịt heo còn dội chợ do nghi vấn “heo lậu từ Campuchia, Thái Lan” đổ vào. Thế rồi bỗng dưng khoảng chục ngày nay, thịt heo tăng giá liên tục, lập hết đỉnh này tới đỉnh khác, thậm chí “vỡ trận”... dù chẳng ở đâu không có thịt heo bán. Hiện tượng này có thể nói là hết sức vô lý.
Ngay cả thịt heo có khan hiếm thật đi chăng nữa, không phải không có giải pháp bình ổn. Ngoài việc tái đàn ở những vùng đã sạch dịch, những nơi đã thiết lập được quy trình khép kín; vận động người dân chuyển qua sử dụng thêm các loại thực phẩm khác thì chúng ta cũng có thể nhập khẩu thịt heo. Mới nhất, Mỹ đề nghị VN giảm thuế nhập khẩu thịt heo tươi hoặc ướp lạnh từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027 nhưng Bộ Tài chính chỉ đề xuất mức giảm xuống 22% để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Nói vậy để thấy, dư địa bảo đảm nguồn cung, để bình ổn thị trường thịt heo là không thiếu.
Cái thiếu là quản lý, điều hành, kiểm soát để thị trường thịt heo không bị thao túng giá, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà ngay chính người nuôi heo cũng không được hưởng lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.