Phép thử với luật pháp

30/09/2019 04:55 GMT+7

Thử giả định, có một nhóm người nào đó ngang nhiên xông vào chiếm nhà người khác , đẩy những đứa trẻ còn đang trong tuổi nằm nôi ra đường, tháo gỡ đồ đạc trong nhà...

Thế thì chính quyền dứt khoát phải can thiệp mạnh để bảo vệ người dân. Phải bao vây ngôi nhà đó, bắt giữ ngay những kẻ hành xử “luật rừng”, và buộc những kẻ ấy phải đối mặt với sự nghiêm minh của pháp luật.
Giả định như vậy để mà nhìn lại một vụ việc tương tự mới xảy ra gần đây. Chỉ thêm tình tiết là nhân vật chính trong nhóm người ngang nhiên hành xử kiểu luật rừng ấy lại là một vị thẩm phán. Tức là, một người được xác định theo chuẩn mực tối thiểu của xã hội là am tường pháp luật để thực thi công lý.
Người dân chắc chắn không thể nào hiểu nổi tại sao một vị thẩm phán lại là người ngang nhiên giẫm lên các nguyên tắc pháp luật, chọn cách hành xử kiểu “luật rừng”, cho dù anh ta nhân danh bất cứ một điều đúng sai nào đấy còn chưa được pháp luật phân xử.
Nhưng cũng sẽ chắc chắn, người dân trong hành trình đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi kỳ lạ ấy sẽ gọi ra trong nhận thức của mình một đòi hỏi công lý mà bất cứ một hệ thống tư pháp nào có năng lực thật sự đều phải chịu trách nhiệm trả lời. Rằng liệu có sự phân biệt đối xử nặng nhẹ nào không đối với những kẻ biết luật mà ngang nhiên phạm luật?
Chẳng ai chấp nhận nổi cái logic kiểu như, anh này làm trong ngành tư pháp, trong bộ máy chính quyền có thân có thế nên chắc sẽ được xử lý nhẹ tay, còn anh kia không thân không thế chắc dính án nặng nề. Người dân có quyền đòi hỏi điều ngược lại, là phải xử lý nghiêm những kẻ này để làm gương cho thiên hạ. Không thể có chuyện xem xét rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ, chiếu cố công trạng. Không thể có chuyện xử lý kiểu “tế nhị”, vì là người trong ngành nên khó xử. Đòi hỏi ấy đã là cái lẽ công lý mà người dân mong muốn từ xưa nay.
Thật ra, khả năng xảy ra những trường hợp người trong bộ máy thực thi luật pháp nhưng lại vi phạm luật pháp tuy khó hiểu nhưng xưa nay cũng không hiếm. Mà dạo gần đây, báo chí cũng đưa nhiều tin tức về những trường hợp người thực thi pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng giống như vụ thẩm phán hành xử kiểu “luật rừng” nói trên. Từ vụ ông nguyên Viện phó VKSND Nguyễn Hữu Linh có hành vi ấu dâm; vụ CSGT nhờ “anh em” xã hội đánh chết người phải hầu tòa, đến vụ cơ quan thi hành án làm sai nên phải bồi thường, lực lượng biên phòng canh gác biên giới chống buôn lậu lại làm ngơ cho buôn lậu công khai trước chốt biên phòng ở Móng Cái (Quảng Ninh)...
Chẳng ai mong muốn những chuyện ngược đời như thế. Nhưng điều quan trọng hơn là cách xử lý của chính hệ thống luật pháp khi một phần tử ngay bên trong nó đi ngược lại giá trị của pháp luật.
Những lúc như thế, mới thấy hệ thống luật pháp của đất nước phải chịu đựng một phép thử khắc nghiệt, để được thừa nhận là giá trị vàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.