Dự kiến công trình tiêu tốn hơn 86 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và kêu gọi tài trợ xã hội hóa cũng như từ các nguồn huy động hợp pháp khác.
Mặc dù mới chỉ trong quá trình khảo sát để lập hồ sơ dự án, nhưng hầu hết dư luận, từ người dân đến cán bộ hưu trí ở địa phương, đều phản đối vì cho rằng công trình chưa cần thiết, gây lãng phí, khu vực triển khai dự án chưa đảm bảo về an toàn giao thông, nguồn kinh phí triển khai dự án lớn. Đó là chưa bàn đến giá trị nghệ thuật và tính khả thi của công trình khi tạc vào vách núi.
Trước những ý kiến trái chiều, lãnh đạo tỉnh đã cân nhắc và quyết định tạm dừng thực hiện dự án để tập trung cải tạo nút giao thông ở chính ngã năm Đống Đa này nhằm đáp ứng hạ tầng đô thị, đảm bảo an toàn giao thông. Đây là một quyết định đúng, thể hiện sự lắng nghe và tiếp thu của lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Thật ra không riêng gì ý tưởng dự án phù điêu ở Bình Định, mà hầu như tỉnh nào cũng muốn có một công trình hoành tráng, để đời, biểu tượng... như cổng chào, quảng trường, cụm tượng đài... với chi phí đầu tư hàng trăm tỉ đồng, trong khi có nơi hằng năm vẫn phải ngửa tay chờ T.Ư cứu đói.
Cấp tỉnh vậy thì cấp huyện, xã, làng cũng đua nhau xây cổng chào, vô cùng hình thức và lãng phí. Nhiều công trình xây xong không phát huy tác dụng, thậm chí na ná nhau, bỏ qua yếu tố hài hòa, mỹ thuật mà chỉ giải quyết mỗi khâu oai, trở thành nỗi bức xúc hoặc hài hước của dư luận.
Thật là vô lý khi còn bao nhiêu thứ khác cần thiết hơn như trường học, bệnh viện, đường sá... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà lãnh đạo chính quyền lại không chú ý, thay vào đó chỉ muốn xây những công trình phô trương, tốn kém, mang đậm dấu ấn tư duy nhiệm kỳ.
Đẹp, hoành tráng hay là điểm nhấn cảnh quan cho khu vực đều là những ý tưởng đáng trân trọng nhưng nên bàn đến khi giải quyết xong kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm ngay tại chính nơi đó đã. Lựa chọn tiêu tiền của Bình Định đáng là tiền lệ để những ý tưởng cho “công trình để đời”, “tạc vào vách đá” những phù điêu, tượng đài, quảng trường... cân nhắc.
Bình luận (0)