Một năm sau, khi kết quả thanh tra còn chưa kịp công bố (?), mặt đường lại tiếp tục xuất hiện ổ gà, sau một trận mưa.
“Ổ gà” nào trong quy trình kiểm soát chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng đầu tư công khiến cho đường vừa làm xong đã xuống cấp, khiến một cuộc thanh tra không bao giờ có kết quả (công bố), khiến không một ai phải chịu trách nhiệm?
Trước hết, về trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng, khi dư luận phản ánh về chất lượng một công trình (đầu tư công) như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chẳng hạn, người có trách nhiệm (trong trường hợp này là chủ đầu tư Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN - VEC) phải có nghĩa vụ giải trình nguyên nhân. Sau đó, Bộ GTVT với vai trò quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giám sát và xử lý trách nhiệm, công khai với dư luận.
Nhưng đáng tiếc, quy trình này đã không được vận hành, hoặc chí ít nó gặp quá nhiều “ổ gà”. Khiến cho việc “tìm nguyên nhân chính xác” của việc bong tróc, lún nứt trên con đường cao tốc 34.000 tỉ mà chủ đầu tư và Bộ GTVT hứa hẹn, 1 năm vẫn chưa có kết quả. Giải thích kiểu đường lún “do mưa” là một kiểu giải thích rất coi thường dư luận.
Sự việc ngày hôm nay, đường chục nghìn tỉ tiếp tục xuống cấp khi thời hạn bảo hành sắp hết cho thấy, những văn bản từ “phê bình nghiêm khắc chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát” đến “thanh tra đột xuất” dự án của Bộ GTVT cuối cùng chỉ là những con chữ chết ngay trên giấy, đánh lừa dư luận. Không ai chịu trách nhiệm về chất lượng công trình kém.
Có một điều cần phải nhắc lại, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là đầu tư công, do một doanh nghiệp nhà nước (VEC) làm chủ đầu tư. Đây cũng là “ông chủ” của một số công trình đường từng gặp nhiều sự cố nhất về chất lượng như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… VEC là doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT. Có lẽ “ổ gà” nằm ở chỗ này, khiến cho cỗ xe quy trình (giải trình, minh bạch) phải dừng lại trước khi đến đích.
Điều này cũng lý giải tại sao các sự cố liên quan đến chất lượng kém, tiến độ chậm hoặc đội vốn khủng của các công trình hạ tầng thường rơi vào các dự án sử dụng vốn nhà nước, với chủ đầu tư là cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước mà ít gặp phải với công trình sử dụng vốn tư nhân.
Đầu tư công đang được quản lý theo một quy trình có quá nhiều ban bệ kiểm soát, nhưng khi có sự cố thì không tìm được ra người chịu trách nhiệm. Khác hẳn với mô hình PPP, nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền xây dựng và chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng công trình.
Đã đến lúc nghĩ đến việc đổi mới triệt để mô hình đầu tư công, ở đó tính minh bạch, nguyên tắc giải trình và chịu trách nhiệm được đề cao.
Bình luận (0)