Khi chính quyền thất hứa

Vũ Hân
Vũ Hân
22/09/2019 06:28 GMT+7

Bao nhiêu chờ đợi, thấp thỏm, hy vọng rồi thất vọng của các giáo viên hợp đồng lâu năm ở TP.Hà Nội, đã được chính quyền trả lời bằng văn bản mới nhất ngày 20.9 - công bố lịch thi tuyển viên chức của TP.

Dường như văn bản này cũng mang theo câu trả lời cuối cùng cho họ: không ai được ưu tiên hết. Ưu tiên, chứ chưa nói gì đến đặc cách.
Sẽ không một giáo viên (GV) hợp đồng lâu năm nào hiểu được, vì sao đã có cơ chế của Bộ Chính trị cho phép đặc cách và lời hứa của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc đặc cách, mà họ vẫn... "trắng tay"?
Theo lý giải của Bộ Nội vụ, cơ chế hiện nay cho phép Hà Nội tổ chức thi tuyển trước đối với các GV hợp đồng lâu năm (có hợp đồng trước 31.12.2015, có đóng BHXH, trong chỉ tiêu biên chế được giao - theo yêu cầu của Bộ Chính trị) để mức độ cạnh tranh thấp hơn. Đây là một ưu ái với các GV gắn bó với nghề, và vẫn đúng pháp luật (thi tuyển theo Nghị định 161/2018).
Trong "cuộc chơi" ưu tiên này, một số GV hợp đồng vẫn sẽ phải chấp nhận rời đi, nếu họ thi trượt. Đây sẽ là một cú vớt chót, giải quyết toàn bộ “tàn dư” cũ. Sau đó sẽ là thi tuyển mở rộng, cạnh tranh sòng phẳng giữa những người xứng đáng nhất.
Nhiều địa phương đã áp dụng cách này, dù lãnh đạo ở đó không hứa. Hà Nội, rất tiếc, lại không làm, dù lãnh đạo TP đã hứa nhiều lần.
Kể từ tháng 3.2019, khi UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định thi tuyển 10.949 GV vào viên chức, thông điệp của chính quyền đã không ít lần thay đổi. Tháng 4, Chủ tịch UBND TP hứa “sẽ đưa ra phương án tối ưu nhất”, “sẽ vừa xét tuyển vừa thi tuyển”, “tạo ra sự ổn định, yên tâm trong GV toàn TP”. Tháng 7, Chủ tịch UBND TP chính thức báo cáo trước HĐND TP về việc sẽ xét đặc cách các GV có hợp đồng từ 5 năm trở lên...
Và cũng trong tháng 7, UBND H.Sóc Sơn ra thông báo về việc... thi tuyển, với lý do Chủ tịch UBND TP mới chỉ nói miệng, chứ chưa có văn bản chỉ đạo. Kết quả là chưa kịp ăn mừng, các GV hợp đồng lại soạn đơn kêu cứu.
Trong câu chuyện này có nhiều cách nhìn. Những người lý tính sẽ nói hãy thôi ngay tâm lý “công thần”, hãy thi tuyển công bằng đi, để lựa chọn những người xứng đáng nhất. Người cảm xúc sẽ muốn ưu tiên cho những GV đã cống hiến nhiều năm bỗng thất nghiệp. Khó phân định ai đúng ai sai.
Nhưng có một điều chắc chắn sai, là cách xử lý của chính quyền Hà Nội.
Nếu định thi tuyển sòng phẳng, chính quyền TP không cần phải "chơi đùa" với cảm xúc của các GV suốt 6 tháng qua, cũng không cần phải "bôi đen" uy tín của mình bằng những lời hứa không được thực hiện.
Nếu 6 tháng đó được dùng để đào tạo thêm cho các GV hợp đồng kỹ năng tin học, ngoại ngữ, như một nghĩa cử của chính quyền cho những đóng góp của họ; thì có thể bây giờ, họ đã sẵn sàng thi sòng phẳng với các ứng viên trẻ hơn, được đào tạo bài bản hơn; và hiên ngang đứng trên bục giảng vì họ xứng đáng, mà không cần xin ai đặc cách.
Thế nhưng, 6 tháng đó họ đã dùng để chờ đợi thấp thỏm; còn chính quyền dùng để thử thách sự kiên nhẫn của họ.
Và bây giờ, nhiều GV lại bắt đầu soạn đơn kêu cứu mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.