Việc làm và hạnh phúc

20/03/2021 22:05 GMT+7

Với đa số người lao động Việt Nam bây giờ, có được việc làm tương đối phù hợp với mình, có mức lương hay thu nhập tương đối phù hợp và ổn định với công sức của mình bỏ ra, thì đó là hạnh phúc.

“Ngày thế giới hạnh phúc” vừa mới lướt qua( ngày 20/3 hàng năm), chỉ số hạnh phúc của Việt Nam vừa được tăng 3 bậc, nhưng hạnh phúc lại là câu chuyện của từng cá nhân, của từng gia đình, rồi mới tới của từng cộng đồng, nhỏ trước lớn sau, rồi cuối cùng, mới là câu chuyện của quốc gia.
Từ đầu năm 2020 tới nay, chính thức từ khi dịch covid-19 bùng lên và lan nhanh trên toàn thế giới, thì chắc chắn, chỉ số hạnh phúc không thể nào tăng được trên toàn thế giới. Nếu Việt Nam chúng ta tăng được 3 bậc, thì đó là vì rất nhiều quốc gia trên thế giới bị suy giảm chỉ số này, kể cả những nước lớn nhất thế giới như Mỹ, những nước vốn có chỉ số hạnh phúc ở tốp đầu như Bắc Âu nói riêng, châu Âu nói chung.
Với người Việt Nam, chỉ cần có việc làm, có thu nhập dù ở mức “sống được”, gia đình họ yên ấm, không bệnh tật tệ nạn hay tai nạn, là họ đã cảm thấy hạnh phúc, một niềm hạnh phúc rất bình dị, rất thực tế.
Nhưng với thời covid-19, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy là xa vời với rất nhiều người lao động.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tố tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ đã nhận định:
“ Theo thống kê tháng 5/2020 có khoảng 32 triệu lao động bị ảnh hưởng nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước không thể kéo dài hết thời gian dịch mà chỉ được vài tháng, nên họ phải tự bỏ tiền tích lũy ra để sống. Có những người qua 1 năm, toàn bộ tiền tích lũy trở về số 0. Ngay trên 1 đoạn phố ở Hà Nội mà tôi khảo sát thì có chừng hơn 200 người lao động mất việc làm do nhà hàng đóng cửa. Tôi hỏi sao không về quê sống thì họ bảo về quê bị cách ly mà vẫn phải trả tiền thuê nhà ở đây, thà họ ở đây để tìm việc còn hơn về quê.”
Những lựa chọn không hề dễ dàng cho 32 triệu người Việt bị ảnh hưởng hay mất việc làm vì covid-19, là một tổn thất thật sự lớn lao cho Việt Nam. Để khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế và ổn định việc làm giống như trước đại dịch là hết sức khó khăn. Quả thật, chỉ số hạnh phúc thế giới áp dụng cho Việt Nam không tính hết được những thiệt hại này cho người lao động, là những người vốn cũng chỉ nghĩ hạnh phúc một cách giản dị, không cầu kỳ bắc bậc gì. Nhưng cũng không dễ mà có được trong thời buổi này.
Có thể ở những nước phát triển, người lao động có khả năng nghĩ đến việc rời bỏ những thành phố lớn để về những thị trấn nhỏ mà vẫn sống được, vì có những công việc họ làm từ xa, thông qua internet. Nhưng ở Việt Nam, thì điều này thật không dễ dàng gì. Công việc làm ở những thành phố nhỏ đã rất khó tìm, thì mong gì tìm được việc làm ở những thị trấn nhỏ. Những lao động có khả năng làm việc từ xa ở Việt Nam còn rất hạn chế, và việc làm từ xa ở Việt Nam còn ít hơn nữa, nên khoan hãy nghĩ như người ở những nước phát triển có thể nghĩ.
Với người lao động Việt Nam, từ làm trong những xí nghiệp hay doanh nghiệp lớn, hay những người lao động tự do, thì việc “bám” vào thành phố lớn như TP HCM vẫn là điều bắt buộc.
Hạnh phúc cũng ở đó, và buồn thay, có thể bất hạnh cũng từ ở đó.
Trong ngày “Thế giới hạnh phúc”, chúng ta cần có cái nhìn tỉnh táo và thực tế về niềm hạnh phúc bình dị ở đất nước chúng ta, cho hầu hết những người lao động Việt Nam chúng ta, cái nhìn ấy là cần thiết.
Có việc làm là có hạnh phúc. Nhiều khi, hạnh phúc chỉ là như vậy.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.