Tôn vinh hai liệt sĩ

26/08/2021 09:07 GMT+7

Không thể dùng bất cứ từ ngữ nào khác, ngoài từ “hy sinh” khi nói về hai trường hợp ra đi của bác sĩ (BS) Nhẫn và điều dưỡng viên Hằng.

BS Trịnh Hữu Nhẫn (60 tuổi) và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng là hai nhân viên y tế đã có nhiều năm công tác trong ngành y, và vừa qua trong khi tham gia hết sức tích cực quên mình chăm sóc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, anh Nhẫn và chị Hằng đã bị dính vào Covid-19 và sau đó đã hy sinh. Không thể dùng bất cứ từ ngữ nào khác, ngoài từ “hy sinh” khi nói về hai trường hợp ra đi của BS Nhẫn và điều dưỡng viên Hằng.
Anh Trịnh Hữu Nhẫn đã 60 tuổi nhưng vẫn hăng hái tham gia dập dịch, còn chị Trần Thị Phương Hằng đang có hai con nhỏ, một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 5, bản thân chị có bệnh nền, nhưng vẫn xung phong quên mình phục vụ điều trị cho bệnh nhân, không kể đến hiểm nguy.
Hai nhân viên y tế ấy đã chết khi đang làm nhiệm vụ, họ xứng đáng với lòng thương nhớ biết ơn của người bệnh, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội vì đã quên mình lao vào nơi nguy hiểm để cứu người, và hoàn toàn xứng đáng để nhà nước truy tặng họ là những liệt sĩ.
Khi là những quân nhân ra trận đánh giặc, nếu hy sinh khi đang làm nhiệm vụ thì được công nhận ngay là liệt sĩ. Điều đó là hiển nhiên, vì họ xứng đáng.
Nhưng với những người công tác trong ngành y tế, lâu nay chúng ta chưa đánh giá và tôn vinh xứng đáng những đóng góp thầm lặng của họ trong sứ mệnh cứu người bệnh, hay cứu người bị thương vì tai nạn. Họ là những cán bộ nhân viên ngành y tế đã thấm nhuần lời thề Hippocrates là quên mình khi cứu người, nhưng hành động và nghĩa cử cao cả của họ, nhất là khi vì cứu người mà hy sinh, thì nhà nước và xã hội phải tôn vinh ngay để làm gương cho bao người đang công tác trong ngành y, đồng thời để gia đình những người hy sinh có được niềm tự hào vì người thân của mình đã hy sinh vì người bệnh, hy sinh để cứu người bệnh.
Dịch Covid-19 năm nay bùng phát vô cùng ác nghiệt, nó đã gây ra biết bao chết chóc tang thương cho nhân dân ta. Với những người trong ngành y đang xả thân chống dịch, độ nguy hiểm đến với họ là rất cao, nhiều khi biết, phòng bị cẩn thận vẫn không tránh được.
Khi những người tình nguyện lao vào chỗ nguy hiểm đến tính mạng mà không sờn lòng, nếu họ phải hy sinh, thì sự hy sinh của họ phải thành tấm gương về lòng can đảm, sự quên mình, không ngán ngại nguy hiểm, sẵn sàng dấn thân và chấp nhận nguy hiểm.
Trong thời bình, thì những tấm gương hy sinh dũng cảm như thế càng đáng trân quý biết bao nhiêu!
Công nhận liệt sĩ cho những người hy sinh khi làm nhiệm vụ ấy, trong thời bình, lại càng là việc đại nghĩa phải làm, và phải làm với sự tôn kính, lòng biết ơn của những người còn đang sống với những người đã hy sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.