Tổng bí thư: Tây nguyên khắc phục tư tưởng trông chờ T.Ư, cam chịu đói nghèo

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/10/2022 18:35 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu vùng Tây nguyên cần khắc phục tư tưởng bị động, chỉ trông chờ vào T.Ư; quyết tâm không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác.

Ngày 14.10, Bộ chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Nghị quyết 23).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị

nhật bắc

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng chủ trì hội nghị.

Tây nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng bí thư cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX năm 2002 và Kết luận 12 năm 2011 của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển vùng Tây nguyên, toàn vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng.

Tuy nhiên, Tổng bí thư đánh giá, sự phát triển của vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước.

Giảm nghèo chưa bền vững; số hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo còn cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn bất cập.

Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XIII khai mạc sáng nay 14.10

nhật bắc

Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt được mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên bị xuống cấp cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ suy giảm. Nhiều di sản văn hoá dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

GD-ĐT chuyển biến còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình của cả nước.

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; công tác phân giới cắm mốc biên giới chưa hoàn thành.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển.

Phát triển nhanh, bền vững, kinh tế xanh, tuần hoàn

Từ tình hình trên, Tổng bí thư cho biết, ngày 6.10 mới đây, Bộ Chính trị khoá XIII đã chính thức ban hành Nghị quyết 23 trên cơ sở tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề này.

Cách lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị

nhật bắc

Tổng bí thư cho biết, Nghị quyết 23 xác định mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, đến năm 2030, "Tây nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế, gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số.

Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường".

Tầm nhìn đến năm 2045: "Tây nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hoá được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường".

Sớm ban hành quy hoạch phát triển vùng Tây nguyên

Tổng bí thư yêu cầu nhiều nhiệm vụ nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23

nhật bắc

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 23, Tổng bí thư nhấn mạnh cần phải đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; về cơ chế, chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.

Bên cạnh đó, phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước trên tinh thần cả nước vì vùng và vùng vì cả nước.

Tổng bí thư cũng yêu cầu, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và ý chí vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, bị động, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của T.Ư; quyết tâm không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác.

Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của T.Ư, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, Tổng bí thư cũng yêu cầu đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng.

Nghị quyết 23 đặt ra nhiều mục tiêu lớn đối với sự phát triển vùng Tây nguyên

nhật bắc

"Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng bí thư cũng lưu ý, vùng Tây nguyên đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định.

Tổng bí thư cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần khẩn trương, ráo riết chỉ đạo xây dựng, ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 23; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và các địa phương trong vùng.

"Trước mắt, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.