Bloomberg ngày 4.6 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh đưa vào danh sách đen 59 công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội hoặc lĩnh vực do thám, trong đó có Huawei Technologies và 3 công ty truyền thông lớn nhất nước này. Động thái trên nằm trong hàng loạt chính sách quan trọng được tổng thống Mỹ đưa ra nhằm đẩy mạnh các cam kết khi ông tranh cử.
Tâm điểm Trung Quốc, Nga
Trước đó vào tháng 11.2020, cựu Tổng thống Donald Trump ban hành danh sách 31 công ty Trung Quốc bị cho là cung cấp hoặc hỗ trợ quân đội và an ninh nước này, trước khi bổ sung thêm các công ty khác. Tuy nhiên, sau nhiều vấn đề pháp lý khiến lệnh cấm chưa áp dụng triệt để, chính quyền của Tổng thống Biden đã xem xét lại, điều chỉnh, bổ sung và gút lại danh sách gồm 59 công ty mà công dân Mỹ không được phép đầu tư. Dự kiến lệnh cấm của Tổng thống Biden sẽ có hiệu lực từ ngày 2.8 (giờ New York) và các nhà đầu tư có một năm để rút hoàn toàn khỏi các công ty trên.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiênTheo Reuters, dự kiến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 10.6, trước khi dự Hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 11 - 13.6 tại Cornwall (Anh). Tại đây, ông sẽ có nhiều cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước G7. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ cùng đệ nhất phu nhân Jill Biden gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài Windsor vào ngày 13.6. Sau đó, ông sẽ đến Bỉ để dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 14.6, gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU vào ngày hôm sau. Tại Bỉ, Tổng thống Biden cũng sẽ gặp Quốc vương Philippe và Thủ tướng Alexander De Croo. Cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16.6 tại Geneva (Thụy Sĩ).
|
Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng chính sách của Tổng thống Biden đối với Nga sẽ thể hiện rõ hơn khi ông gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16.6. Nổi bật trong số các vấn đề song phương là việc Mỹ cáo buộc Nga liên quan hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào bầu cử và cơ sở hạ tầng, dù Moscow luôn bác bỏ các cáo buộc. Theo AFP, Tổng thống Biden đang xem xét khả năng trả đũa, sau khi Nhà Trắng cáo buộc Nga có liên quan vụ tấn công mạng nhằm vào Hãng chế biến thịt JBS. Dự kiến ông sẽ đề cập đến vấn đề tấn công mạng tại cuộc gặp sắp tới.
Tăng cường an ninh, hạ tầng
Liên quan an ninh mạng, chính quyền Tổng thống Biden đang đẩy mạnh công tác phòng vệ trong nước sau các đợt tấn công dồn dập. Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Mỹ cho hay cơ quan này bắt đầu ưu tiên điều tra các vụ tấn công mã độc tống tiền cũng như các vụ khủng bố. Quyết định được đưa ra sau vụ tấn công đường ống dẫn nhiên liệu của Công ty Colonial và thiệt hại ngày càng lớn do tội phạm mạng gây ra.
Trong văn bản hướng dẫn nội bộ gửi đến các cơ quan trực thuộc trên cả nước, Bộ Tư pháp chỉ đạo rằng việc điều tra các vụ tấn công mã độc tống tiền cần được phối hợp với lực lượng chuyên trách được thành lập gần đây tại Washington. Theo Thứ trưởng Tư pháp John Carlin, đây là lần đầu bộ áp dụng quy trình đối phó khủng bố và nguy cơ an ninh quốc gia đối với các vụ tấn công mã độc tống tiền.
Liên quan chính sách đầu tư hạ tầng, Tổng thống Biden đang tiếp tục thuyết phục đảng Cộng hòa nhằm thúc đẩy quốc hội thông qua đề xuất đầu tư. Đề xuất ban đầu trị giá 2.000 tỉ USD nhằm hiện đại hóa mạng lưới giao thông, tạo hàng triệu việc làm và giúp Mỹ duy trì lợi thế kinh tế trước Trung Quốc.
Reuters hôm qua dẫn một nguồn tin cho biết Tổng thống Biden đang thuyết phục thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito ủng hộ kế hoạch này. Nhà Trắng đã hạ mức đề xuất xuống còn 1.000 tỉ USD nhưng vẫn còn cao hơn gấp 4 lần so với mức chi mong muốn của đảng Cộng hòa. Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg cho biết ngày 5.6 sẽ là thời điểm quan trọng chứng kiến tiến triển đàm phán về kế hoạch trên, khi quốc hội quay lại làm việc sau kỳ nghỉ 1 tuần.
Bình luận (0)