Tổng thống Biden 'gây sức ép' khi điện đàm lần đầu với Chủ tịch Tập Cận Bình

11/02/2021 12:30 GMT+7

Trong cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ - Trung đầu tiên kể từ khi Nhà Trắng đổi chủ, Tổng thống Mỹ Joe Biden “gây sức ép” đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Hồng Kông và Tân Cương.

Theo Reuters dẫn thông cáo báo chí của Nhà Trắng ngày 11.2, nhà lãnh đạo Mỹ mở đầu cuộc điện đàm bằng lời chúc lành người dân Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, trong nỗ lực thiết lập nền tảng mới trong quan hệ Washington - Bắc Kinh sau thời gian xuống dốc dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden cũng nhanh chóng đi thẳng vào những vấn đề mà Mỹ quan tâm.
Ông Biden cho hay trong nhiệm kỳ của mình, ông ưu tiên bảo vệ an ninh, sự thịnh vượng và sức khỏe cho người dân Mỹ, đồng thời bảo đảm “một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tổng thống Biden cảnh báo Trung Quốc sẽ "giành bữa ăn" nếu Mỹ không nhanh chân

Cụ thể, tổng thống Mỹ “nhấn mạnh các quan ngại đến tận gốc rễ” về cách Bắc Kinh xử lý vấn đề Hồng Kông và Tân Cương, cũng như việc Trung Quốc có thái độ và hành vi ngày càng cứng rắn hơn ở khu vực, bao gồm Đài Loan.
Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung cũng đề cập đến dịch Covid-19, tình hình biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí.

Mỹ chia sẻ quan ngại tại biển Hoa Đông

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng Mỹ - Nhật, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chia sẻ quan ngại của người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi về việc các tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông trong vài ngày qua.

Nhật Bản bày tỏ lo ngại trước việc tàu hải cảnh Trung Quốc liên tiếp đi vào lãnh hải Nhật Bản gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay Ngoại trưởng Blinken một lần nữa xác nhận nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi thực thi của Điều khoản V thuộc Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Đây là điều khoản quy định hai nước có trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công quân sự.
Quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ xác nhận Senkaku/Điếu Ngư thuộc Điều khoản V của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật là bà Hillary Clinton vào thời điểm làm ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Đến thời Tổng thống Donald Trump, chính quyền Washington tiến thêm một bước khi lên tiếng cảnh báo bất kỳ âm mưu nào thách thức vùng biển mà Nhật Bản kiểm soát xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Hai ngoại trưởng cũng thảo luận về vụ chính biến Myanmar hồi tuần trước, trong lúc Tổng thống Biden vừa ký sắc lệnh trừng phạt giới tướng lĩnh nước này nếu họ từ chối trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.