Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hôm 19.7 nói với các phóng viên rằng nhiều nước đang bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ Latinh tại Brussels (Bỉ), ông Lula da Silva nói “Thế giới đang bắt đầu mệt mỏi” và cần tìm “lối đi đến hòa bình”.
“Điều chúng ta muốn là cuộc chiến này chấm dứt. Chúng ta phải ngồi xuống nói chuyện. Đó là điều chúng ta mong muốn”.
Tổng thống Brazil cho rằng lúc này cả hai bên xung đột đều chưa muốn đàm phán hòa bình vì vẫn tin rằng mình sẽ thắng. Nhưng ông dự báo rằng cuối cùng sẽ đến lúc tổ chức hòa đàm và cần một nhóm các quốc gia có khả năng thuyết phục cả Nga lẫn Ukraine rằng hòa bình là con đường tốt nhất.
Ông Lula nhắc lại nỗ lực của Brazil để kết nối với Trung Quốc, Indonesia và các nước Mỹ latinh khác vì mục đích này.
Tổng thống Lula, người đang thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, từng khẳng định “việc rút quân sẽ là một phần trong thỏa thuận hòa bình”. Tuy nhiên, ông cũng không đồng ý với những cáo buộc cho rằng Moscow là bên duy nhất gây ra xung đột. Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden, đều có lỗi như nhau vì đã không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngăn chặn xung đột.
Trong hội nghị thượng đỉnh tuần này giữa EU và Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ và Caribe (CELAC), các quan chức châu Âu đã hy vọng ký một tuyên bố cuối cùng, trong đó có nội dung lên án rõ ràng các hành động của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU đã không thuyết phục được tất cả các đối tác Mỹ Latinh, vì một số quốc gia như Brazil và Nicaragua phản đối việc đưa bất kỳ ngôn từ mạnh mẽ nào nhằm vào Nga trong tài liệu.
Bất chấp cam kết của NATO sẽ sát cánh cùng Ukraine “cho đến chừng nào còn có thể”, một số quan chức phương Tây gần đây bắt đầu dự đoán rằng sự ủng hộ dành cho Kyiv có thể sớm bắt đầu suy yếu khi “mệt mỏi vì xung đột kéo dài”.
Tuần trước, Tổng thống CH Czech Petr Pavel tuyên bố rằng Ukraine nên đặt mục tiêu giành lại càng nhiều lãnh thổ càng tốt trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, vì tình hình sau đó có thể ảnh hưởng đến khối lượng viện trợ quân sự Mỹ.
Hồi tháng 3, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova cũng cảnh báo viện trợ quân sự cho Kyiv không phải là vô hạn và tuyên bố rằng sự ủng hộ của công chúng dành cho Ukraine đang “cạn kiệt”.
Bình luận (0)