Tổng thống Erdogan: Đừng mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

24/01/2023 08:41 GMT+7

Nhà lãnh đạo cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục dội gáo nước lạnh lên nỗ lực của Thụy Điển, nước đã đệ đơn gia nhập NATO vì những quan ngại an ninh xuất phát từ xung đột Nga - Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 23.1 nói Thụy Điển không nên mong đợi sự ủng hộ của Ankara trong việc gia nhập NATO, sau vụ người biểu tình đốt kinh Koran gần đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm vào cuối tuần trước, theo Reuters.

Các cuộc biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nỗ lực của Thụy Điển trong việc gia nhập NATO, diễn ra ở Stockholm hôm 21.1, đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Lá phiếu của Ankara là thứ không thể thiếu để quốc gia Bắc Âu có thể bước chân vào liên minh quân sự lớn nhất thế giới, nơi Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 30 thành viên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

reuters

Phát biểu sau cuộc họp nội các hôm 21.1, ông Erdogan nói: "Những kẻ cho phép những hành động báng bổ như vậy diễn ra ngay trước đại sứ quán của chúng tôi không còn có thể mong đợi chúng tôi ủng hộ họ gia nhập NATO".

"Nếu bạn yêu quý thành viên của các tổ chức khủng bố và kẻ thù của Hồi giáo nhiều đến vậy và bảo vệ họ, thì chúng tôi khuyên bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ của họ đối với an ninh của đất nước bạn", nhà lãnh đạo tuyên bố.

Đường vào NATO của Thụy Điển vẫn trắc trở vì Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom từ chối bình luận về phát biểu của Erdogan, nói với Reuters rằng ông muốn hiểu chính xác những lời lẽ này có nghĩa là gì.

"Nhưng Thụy Điển sẽ tôn trọng thỏa thuận tồn tại giữa Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên NATO của chúng tôi", ông cho biết.

Thụy Điển và Phần Lan năm ngoái đã đệ đơn gia nhập NATO sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, nhưng việc này cần sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên liên minh. Ankara trước đây từng nói rằng riêng Thụy Điển trước tiên phải có lập trường rõ ràng hơn đối với lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, chủ yếu là các chiến binh người Kurd và một nhóm mà họ nói là đứng sau âm mưu đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 23.1 nói Phần Lan và Thụy Điển đã sẵn sàng gia nhập NATO, nhưng từ chối bình luận về việc liệu Washington có nghĩ rằng những lời lẽ mới nhất của ông Erdogan phải chăng đã hoàn toàn đóng lại cánh cửa đối với hai nước Bắc Âu.

"Rốt cuộc, đây là một quyết định và sự đồng thuận mà Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ", ông Price nói.

Việc đốt kinh Koran trong các cuộc biểu tình hôm 21.1 được thực hiện bởi Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch. Ông Paludan, người cũng có quốc tịch Thụy Điển, trước đây từng tổ chức một số cuộc biểu tình trong đó ông đốt kinh sách quan trọng bậc nhất của Hồi giáo.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger ủng hộ Ukraine gia nhập NATO

Một số quốc gia Ả Rập bao gồm Ả Rập Xê Út, Jordan và Kuwait đã lên án việc này. Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Thụy Điển, cũng như hủy chuyến thăm Ankara của bộ trưởng quốc phòng Thụy Điển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.