Tổng thống Pháp vượt ải cuối cùng trong cải cách hưu trí

15/04/2023 07:32 GMT+7

Hội đồng Hiến pháp của Pháp ngày 14.4 đã chấp nhận kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, mang lại chiến thắng cho Tổng thống Emmanuel Macron sau nhiều tháng biểu tình rầm rộ.

Tổng thổng Pháp vượt ải cuối cùng trong cải cách hưu trí - Ảnh 1.

Tổng thống Emmanuel Macron thăm công trình đại tu Nhà thờ Đức Bà Paris hôm 14.4

REUTERS

Hội đồng Hiến pháp của Pháp kết luận các hành động của chính phủ phù hợp với hiến pháp và chấp nhận việc tăng tuổi nghỉ hưu. Hội đồng chỉ loại bỏ các biện pháp nhằm tăng việc làm cho người lao động lớn tuổi ra khỏi dự luật với lý do chúng không thuộc về dự luật này, theo Reuters.

Các quan chức của chính quyền Tổng thống Macron cho biết dự luật sẽ nhanh chóng có hiệu lực. Theo Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.9 theo kế hoạch ban đầu. Trong khi đó, Điện Elysee cho hay ông Macron sẽ ký ban hành luật trong những ngày tới và tổng thống cũng từng nói rằng ông muốn nó được thực thi từ cuối năm nay.

Biểu tình đã bùng nổ ngay khi quyết định của Hội đồng Hiến pháp được công bố. Hàng trăm nhà hoạt động công đoàn và những người khác đã tập trung một cách hòa bình ở Paris vào tối 14.4. Sau đó, một số nhóm tuần hành về phía quảng trường Bastille lịch sử và xa hơn nữa, đốt thùng rác và xe scooter trong khi cảnh sát bắn hơi cay hoặc đẩy lùi họ, theo AP.

Cảnh sát tiếp tục trấn áp người biểu tình bạo lực chống cải cách lương hưu ở Pháp

Các công đoàn và các đối thủ chính trị của Tổng thống Macron tuyên bố sẽ duy trì áp lực buộc chính phủ rút lại dự luật, và các nhà hoạt động đe dọa sẽ tổ chức các cuộc biểu tình mới trong ngày 15.4.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết quyết định của Hội đồng Hiến pháp "đánh dấu điểm cuối con đường thể chế và dân chủ của cải cách này", đồng thời nói “không có người chiến thắng” trong vấn đề đã dẫn đến cuộc đối đầu trên toàn quốc và bất ổn xã hội tồi tệ nhất ở Pháp trong nhiều năm.

Việc tăng tuổi hưu là trọng tâm trong kế hoạch của ông Macron và là lý do chính khiến người biểu tình tức giận. Chính phủ lập luận rằng thay đổi là cần thiết để duy trì hệ thống lương hưu khi dân số già đi, trong khi những người phản đối đề xuất tăng thuế đối với người giàu hoặc người sử dụng lao động và cho rằng việc tăng tuổi hưu cùng những thay đổi khác đe dọa mạng lưới an sinh xã hội.

Phong trào phản đối đã trở nên mạnh mẽ hơn sau khi chính quyền Tổng thống Macron quyết định qua mặt quốc hội để thông qua dự luật cải cách hưu trí, bằng cách áp dụng một điều khoản trong hiến pháp cho phép họ làm như vậy.

Trong một quyết định riêng biệt nhưng có liên quan, Hội đồng Hiến pháp đã bác bỏ yêu cầu của phe đối lập về việc tổ chức trưng cầu dân ý đối với cải cách hưu trí. Phe đối lập đã đệ trình một yêu cầu khác tương tự và hội đồng dự kiến đưa ra kết luận về yêu cầu này vào đầu tháng tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.