Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh được tổ chức ở Moscow ngày 20.7, Tổng thống Putin tuyên bố rằng những thay đổi “thực sự mang tính cách mạng, to lớn” sẽ dẫn đến việc tạo ra một trật tự thế giới mới mang tính “hài hòa, công bằng hơn và tập trung hơn vào cộng đồng và an toàn”. Trong kỷ nguyên mới này, “chỉ các quốc gia thực sự có chủ quyền mới có thể đảm bảo động lực tăng trưởng cao,” theo ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ở Moscow ngày 20.7 |
AFP |
Theo thuật ngữ “chủ quyền", Tổng thống Putin muốn nhấn mạnh "quyền tự do phát triển quốc gia” cũng như "khả năng tồn tại của nhà nước về công nghệ, văn hóa, trí tuệ, giáo dục” và một “xã hội dân sự theo định hướng quốc gia, có trách nhiệm, tích cực”. Ông cho rằng một nhà nước như thế sẽ là tấm gương cho những nhà nước khác về “tiêu chuẩn và chất lượng cuộc sống của con người, bảo vệ các giá trị truyền thống và lý tưởng mang tính nhân văn cao”.
Cũng theo Tổng thống Putin, một thế giới kiểu như trên trái ngược hẳn với trật tự thế giới đơn cực do phương Tây thống trị, vốn “trở thành một cái phanh trong sự phát triển của nền văn minh chúng ta”. Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phương Tây “phân biệt chủng tộc và theo chủ nghĩa thực dân mới”, nói rằng hệ tư tưởng của phương Tây "ngày càng trở nên giống chủ nghĩa toàn trị”. Ông khẳng định rằng bất chấp những nỗ lực của giới tinh hoa phương Tây nhằm bảo tồn trật tự thế giới hiện có, những thay đổi như trên là "không thể đảo ngược".
Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 147, Ukraine sẵn sàng làm 'bãi thử' để có thêm vũ khí phản công |
Tổng thống Putin đã thảo luận về sự kết thúc của thế giới "đơn cực" trong một thời gian dài. Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức vào năm 2007, ông cho rằng “thế giới đơn cực mà đã được đề xuất sau Chiến tranh lạnh đã không diễn ra”, theo RT. Trong tháng 5.2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng rằng khi hoàn tất, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ buộc các quốc gia phương Tây “ngừng thúc đẩy cái gọi là thế giới đơn cực dưới sự thống trị của Mỹ và các đồng minh”.
Ý tưởng về một thế giới “đa cực” mới cũng đã được thảo luận ở phương Tây trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, phương Tây tuyên bố ý định “cô lập” Nga và áp đặt các biện pháp cấm vận cứng rắn nhắm vào Moscow. Nga xem những động thái này là một biểu hiện khác trong những nỗ lực của phương Tây nhằm "kiềm chế" nước này và duy trì trật tự thế giới hiện có, theo RT.
Bình luận (0)