Tổng thống Donald Trump ngày 27.10 có cuộc họp báo kéo dài gần 50 phút trong đó ông thông báo lực lượng đặc nhiệm Delta của lục quân Mỹ đã tiêu diệt được thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tại Syria.
Ông mô tả chi tiết chiến dịch từ việc làm thế nào đội Delta đột nhập vào khu vực được bảo vệ dày đặc của al-Baghdadi, tránh các cánh cửa có gài mìn, đuổi theo thủ lĩnh IS trong đường hầm cho đến khi người này kích nổ áo khoác có bom đê tự sát.
“Tôi luôn lo lắng mỗi khi có người không am hiểu về hoạt động quân sự nhưng lại mô tả hoạt động đó. Đó là câu chuyện hay và kể nó ra có thể mang lại một số điều tích cực nhưng cái lợi thường không đáng là bao trong khi cái hại có thể lớn hơn nhiều”, trung tướng về hưu Michael Nagata của lục quân Mỹ nhận định trên tờ Politico. Ông Nagata là chỉ huy cấp cao các chiến dịch đặc biệt tại Trung Đông trong giai đoạn đầu chống IS.
Theo ông, một số thông tin mà Tổng thống Trump tiết lộ có thể giúp các tổ chức khủng bố chắp nối lại để vạch ra kế hoạch đối phó với lực lượng Mỹ trong tương lai.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng bị cho là mắc phải sơ suất tương tự khi mô tả cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011, dù mức độ chi tiết không cao như ông Trump.
“Việc nói quá chi tiết về những nhiệm vụ như trên có thể khiến các chiến dịch trong tương lai nguy hiểm và khó khăn hơn”, ông Nagata nhấn mạnh.
|
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Trump nói về cách quân đội Mỹ theo dõi việc liên lạc của IS thông qua internet thay vì qua điện thoại. Ông tiết lộ có 8 trực thăng tham gia chiến dịch kéo dài 2 giờ và lực lượng Delta phá tường để xâm nhập thay vì đi qua các cánh cửa có gài mìn.
“Kẻ địch có thể đến hiện trường và nhìn thấy những dấu vết. Nhưng cứ để cho chúng tự tìm hiểu, không có lý do gì phải tiết lộ”, một cựu chỉ huy chiến dịch đặc biệt của Mỹ bình luận, đồng thời nói thêm việc tiết lộ thời gian chiến dịch kéo dài là có hại.
|
Thông tin mà Tổng thống Trump tiết lộ khiến giới cựu quan chức quân sự lo ngại nhất chính là tuyến đường rút đi của đội trực thăng. “Họ chọn một đường bay quen thuộc để quay về khu vực an toàn”, Tổng thống Trump nói.
“Nếu chúng ta sử dụng lại cách tiếp cận và rút đi như vậy thì các trực thăng có thể bị bắn hạ. Điều này từng xảy ra tại Afghanistan”, một cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ cho hay.
Bình luận (0)