Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 22.4, chị L. bị giật điện thoại trên đường Dương Công Khi, thuộc địa bàn xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn. Sau đó, chị L. vừa tăng ga đuổi theo 2 kẻ cướp giật vừa tri hô. Chạy được gần 1km, 2 nghi phạm giảm tốc độ do vướng xe tải đang quay đầu. Chị L. kịp chạy đến, tông thẳng vào xe máy 2 tên này, khiến cả 3 ngã ra đường.
Hay vào ngày 10.5, Phạm Xuân H. (tài xế xe ôm công nghệ) phát hiện kẻ trộm đang bẻ khóa xe máy đậu trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Anh H. liền lao xe máy vào kẻ trộm, khiến kẻ trộm té ngã rồi bỏ chạy, leo lên xe đồng bọn, bỏ trốn.
Tông xe vào kẻ trộm xe máy thuộc “tình thế cấp thiết”
Theo luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (Đoàn LS TP.HCM), không chỉ những người thi hành công vụ mà ngay cả những người dân cũng có quyền bắt người phạm tội và phải giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, UBND gần nhất. Trong trường hợp tông xe vào tên trộm góp phần ngăn chặn hành vi trộm xe máy là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người khác. Đây được xem là hành vi phòng vệ chính đáng, theo Điều 22 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Ngoài ra, theo LS Thục hành động tông xe vào kẻ trộm xe máy thuộc “tình thế cấp thiết”, vì muốn tránh gây thiệt hại của mình, của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thể cấp thiết không phải là tội phạm, theo Điều 23 BLHS năm 2015. Và trong điều 24 BLHS năm 2015 quy định, hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
Tuy nhiên, trong điều 24, BLHS hình sự có nêu, trường hợp sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. "Vì vậy, người dân khi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội cần tuân thủ các điều kiện để tránh bị xử lý hình sự. Một là, bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã. Hai là, không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực. Ba là, việc sử dụng vũ lực phải ở mức cần thiết", LS Thục cho biết.
Gây thương tích hoặc chết người, bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo LS Thục, hành động tông xe vào kẻ trộm luôn có khả năng gây mất an toàn cho chính bản thân người lái xe và những người khác. Do đó, người dân nên hạn chế tối đa hành động này, vì với tình huống xảy ra nhanh chóng, bất ngờ, rất khó để người dân đủ thời gian và sự tỉnh táo để suy xét áp dụng được đúng "mức độ sử dụng vũ lực cần thiết". Nếu bắt được tên trộm, không được đánh đập, hành hạ, giữ tên trộm lại để khai thác các thông tin về việc mất trộm. Cần nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo.
“Nếu hành vi dung xe máy tông vào tên trộm mà khiến tên trộm bị thương nặng hoặc tử vong thì hành vi này được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu tên trộm bị thương tích trên 31%, có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, theo điều 136 BLHS 2015. Còn nếu tên trộm tử vong, phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo điều 126 BLHS năm 2015, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù lên đến 5 năm”, LS Thục thông tin.
Bình luận (0)