TP.HCM cần tháo điểm nghẽn cơ chế để đột phá

11/05/2021 05:49 GMT+7

Là một siêu đô thị, dân số lớn nhất cả nước (khoảng hơn 13 triệu dân), trong khi mức ngân sách được điều tiết giữ lại chỉ là 18% trong tổng thu của TP.HCM, nên TP.HCM luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Khoảng 10 năm qua, TP.HCM có mức thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng qua từng năm, nếu như năm 2010 mức thu 165.000 tỉ đồng (làm tròn), thì đến năm 2020 thu đến 380.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước).
Nhưng là một siêu đô thị, dân số lớn nhất cả nước (khoảng hơn 13 triệu dân), trong khi mức ngân sách được điều tiết giữ lại chỉ là 18% trong tổng thu của TP, nên TP.HCM luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

TP.HCM vẫn đóng góp 371.000 tỉ, chiếm 25,5% ngân sách quốc gia giữa "bão táp" Covid-19

Cần cơ chế phù hợp

Một trong những thách thức lớn là thiếu hụt nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Mật độ đường giao thông đô thị theo quy chuẩn phải đạt ít nhất 10 km/km2 nhưng TP.HCM chỉ đạt 2,14 km/km2. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, nếu tiến độ xây dựng đường giao thông ở TP.HCM như 12 năm qua, thì cần hơn 160 năm mới đạt quy chuẩn ít nhất 10 km/km2. Ngoài ra, còn có các thách thức như nguy cơ ngập nước, thiếu hụt diện tích nhà ở, quá tải trường học, bệnh viện...
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, TP.HCM đang giảm dần tốc độ tăng trưởng vì đứng trước hàng loạt bất cập về hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng. Về vấn đề cơ chế, TP.HCM nhiều lần có cơ chế đặc thù, nhưng ông Lịch cho rằng đó vẫn là “chiếc áo chật”, hạn chế khả năng năng động sáng tạo. Để tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước thì trong 10 năm tới TP.HCM cần duy trì tốc độ tăng trưởng gấp 1,2 - 1,5 lần mức bình quân cả nước. “TP.HCM không cần cơ chế đặc thù mà cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị”, ông Lịch nói thêm.
20 năm trước, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2001 phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM. Nhưng theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, một số nội dung trong nghị định này đã không còn phù hợp, không tạo ra được cơ chế thuận lợi cho sự phát triển. Do đó, TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ phối hợp các bộ ngành sớm xây dựng nghị định thay thế.
Mới đây nhất vào năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Thế nhưng, nhìn lại 4 năm thực hiện, ông Lịch thẳng thắn đánh giá: “Nghị quyết 54 cũng chưa giải quyết được gì cả”. Theo Sở KH-ĐT TP.HCM, nhiều khoản thu dự kiến từ nghị quyết này không được như kỳ vọng. Như khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, từ quý 1/2019 - 2/2020 chỉ thu được 48 tỉ đồng/năm, không đáng kể so với kỳ vọng.
Một trong các khoản thu được trông chờ từ Nghị quyết 54, đó là 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công của các đơn vị T.Ư quản lý trên địa bàn TP.HCM. Trên địa bàn TP.HCM có gần 2.000 địa chỉ nhà đất của các cơ quan T.Ư, nhưng 3 năm qua không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất nào từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là rất ít bộ ngành thực hiện phương án sắp xếp cũng như chưa tích cực phối hợp thực hiện. Trong khi đó, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức kinh tế cũng chưa thực hiện được vì còn chờ hướng dẫn của T.Ư về phương án sử dụng đất.

TP.HCM kiến nghị những gì ?

Về những khó khăn, thách thức tác động đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, UBND TP.HCM nhìn nhận sự yếu kém về hạ tầng làm mất đi tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư “đại bàng”, điều này thể hiện qua con số vốn bình quân trên mỗi dự án hiện chưa tới 1 triệu USD.
Tiếp đó là ngân sách để tái đầu tư phát triển, dù đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia, nhưng tỷ lệ giữ lại của TP.HCM lại thấp nhất cả nước, giảm từ 23% xuống còn 18% trong chu kỳ ngân sách 2017 - 2021. Do đó, TP.HCM đã xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, qua đó đề xuất phương án tỷ lệ điều tiết là 23% (bằng mức giai đoạn 2011 - 2016).
Dự kiến, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 được Chính phủ phân bổ cho TP.HCM là 156.483 tỉ đồng; trong đó vốn ODA vay lại là 14.873 tỉ đồng, vốn ngân sách TP.HCM 127.683 tỉ đồng, vốn ngân sách T.Ư 13.926 tỉ đồng. UBND TP.HCM nhìn nhận số vốn ODA vay lại không đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 (cần hơn 51.000 tỉ đồng). Do đó, TP.HCM kiến nghị T.Ư bố trí đủ theo các hiệp định vay đã ký kết và đang hoàn tất các thủ tục ký kết.
Để tăng khả năng kết nối các tỉnh thành trong vùng trọng điểm kinh tế phía nam, TP.HCM cũng kiến nghị T.Ư hỗ trợ nguồn vốn để triển khai các dự án trọng điểm như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), đường vành đai...
Ý kiến

Không ai muốn phải “xé rào”

Các điều 11, 12, 13 của luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định thế nào là phân cấp, phân quyền, ủy quyền, nhưng trong các luật chuyên ngành thì không có cơ chế này. Do đó, TP.HCM cần căn cứ vào 3 điều luật trên và những luật chuyên ngành liên quan, xác định những gì cần phân cấp, phân quyền, ủy quyền để trong từng lĩnh vực TP.HCM hoàn toàn có thể năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm, tránh để chồng chéo.
Có 2 hình thức để thực hiện cơ chế này. Ở mức thấp là “nghị định không đầu” (tức là ở trên không có luật điều chỉnh) do Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành, trong đó nêu rõ phân cấp, phân quyền về tổ chức bộ máy, ngân sách... cho TP.HCM. Ở mức cao hơn là một nghị quyết để tạo một không gian cho TP.HCM phát huy được tính năng động, sáng tạo của mình theo khuôn khổ pháp luật. Bây giờ cứ phải “xé rào” mà có ai muốn “xé” đâu, luật pháp có rồi, không việc gì phải “xé rào” cả.
TS Trần Du Lịch

Cần tháo gỡ nút thắt về hạ tầng

TP.HCM nên hạn chế và tiến tới không còn những ngành công nghiệp đang làm nữa mà nên chuyển sang dịch vụ, bởi đây là xã hội hậu công nghiệp. Nếu TP.HCM tiếp tục định vị mình như một TP phát triển công nghiệp, thì không chỉ bất khả thi mà còn đánh mất cơ hội của 10 - 20 năm tới.
Để phát triển trong 10 năm tới, TP.HCM cần tháo gỡ các nút thắt về cơ sở hạ tầng, thể chế và chất lượng nguồn nhân lực, đây là những điều đã được chỉ ra cách đây hơn 20 năm nhưng khâu thực hiện lại rất chậm.
TS Vũ Thành Tự Anh 
(Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.