Ông Đoàn Minh Xương mong bóng đá TP.HCM sớm đem lại niềm vui cho người hâm mộ |
Khả HÒA |
Có mặt tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo thành phố làm việc với 2 CLB TP.HCM và Sài Gòn, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đã có nhiều chia sẻ tâm huyết.
Ông bày tỏ: "Nếu thành phố không đánh giá đúng vì sao các CLB phải đầu tư bóng đá thì sẽ không làm được. Ngành thể thao phải tham mưu cho lãnh đạo thành phố vì sao kết quả kém, vì sao các ông bầu đến rồi đi. Điều đầu tiên để phát triển bóng đá bền vững là phải thay đổi tư duy, phải trả lời cho người dân hễ muốn chơi bóng đá thì phải có sân, muốn tập có HLV, có chương trình đào tạo".
Từ năm 2002 đến nay, qua 20 năm, biết bao nhiêu CLB đến rồi đi vì lo cái ngọn mà không chăm gốc rễ. Cần lưu ý, có thể nói bóng đá phong trào, cộng đồng, học đường của thành phố là số 1 toàn quốc. Nhưng để biến thành công cụ giáo dục thì phải thay đổi tư duy".
Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ tâm huyết xây dựng bóng đá TP.HCM |
Sỹ Đông |
Ở buổi làm việc, Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ đội bóng muốn sử dụng cầu thủ địa phương nhưng tìm không thấy: "Cơ sở vật chất đào tạo thủ trẻ là yếu tố phát triển bền vững nhất. TP.HCM là đầu tàu nhưng thua kém các tỉnh thành khác về cơ sở đào tạo".
Về điều này, ông Xương đi sâu hơn: "Thực tế cơ sở vật chất của bóng đá thành phố manh mún, nhân lực quản lý bóng đá yếu kém, chưa quan tâm bóng đá học đường, mô hình đào tạo trẻ bao cấp không còn phù hợp. Suốt 10 năm qua, đi đến các sân thì tôi thấy tình hình đang không kiểm soát được. Sân Hoa Lư cho thuê mặt bằng, sân Gò Vấp hay sân quận 8 làm gì?
Ông Xương tranh thủ chia sẻ thêm với bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên và mọi người |
Sỹ Đông |
Tại sao chúng ta có sân mà không làm bóng đá? Thực tế, nhân lực quản lý bóng đá thành phố rất yếu. Chúng tôi tổ chức bồi dưỡng đi học nhưng mà không đi học luôn. Ngoài ra, thành phố chưa quan tâm dạy các em ở khâu bóng đá học đường. Trong bóng đá cộng đồng, cứ 1.000 em chơi bóng đá sẽ có 1 - 2 em thành cầu thủ, và toàn bộ họ đều được giáo dục, định hướng thành công dân trẻ có ích".
Ông Xương khẳng định ngành thể thao không thể bỏ mặc cho các doanh nghiệp đầu tư bóng đá tự sinh, tự diệt mà phải tham mưu cho lãnh đạo thành phố giải quyết những câu hỏi: Vì sao đầu tư nhiều nhưng thành tích lại thấp? Vì sao nhiều doanh nghiệp đến rồi lại đi?...
Bí thư Nguyễn Văn Nên muốn thành phố có nền bóng đá mang thương hiệu TP.HCM - Sài Gòn |
Sỹ Đông |
"Một trong những điều phải thay đổi tư duy là mô hình đào tạo trẻ không còn phù hợp. Ngày xưa áp dụng cơ chế bao cấp thì còn phù hợp do thành phố có 4 đội tiêu thụ. Bây giờ mỗi CLB muốn có bản sắc thì phải tự đào tạo riêng. Việc nhốt các em lại và nuôi gà nòi là không phù hợp nữa. Trong bóng đá trẻ, các em từ 11 - 15 tận dụng cơ sở vật chất thành phố hình thành vệ tinh. Còn từ 16 tuổi trở lên thì sẽ giao cho các CLB chọn lựa, hình thành tài năng.
Bóng đá thành phố cần thay đổi mô hình. Tôi đánh giá cao các doanh nghiệp bỏ tiền ra làm bóng đá. Nhưng thành phố cần định hướng và lộ trình đi thích hợp.
Trong bóng đá không phải cứ mua cầu thủ giỏi về là vô địch ngay. Việc quản lý hết sức quan trọng, mỗi CLB phải tính lại biện pháp ổn định tâm lý và lực lượng", ông Đoàn Minh Xương bày tỏ.
Bình luận (0)