TP.HCM: Kiến nghị nâng cấp Ban quản lý thành Sở An toàn thực phẩm

Duy Tính
Duy Tính
15/07/2022 11:39 GMT+7

Sau 6 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiến nghị nâng cấp thành Sở An toàn thực phẩm, để thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn.

Ngày 15.7, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập (2017 - 2022).

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, sau 6 năm, kết quả quan trọng nhất là vấn đề quản lý an toàn thực phẩm tại TP đã được tập trung 1 đầu mối, làm tăng sức mạnh, có đủ lực lượng thanh tra, không đùn đẩy né tránh giữa các sở.

Trọng tâm 6 năm qua, đơn vị này đã xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân... Quản lý an toàn thực phẩm dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc, mất an toàn trên bàn ăn.

TP.HCM muốn thành lập Sở An toàn thực phẩm

D.T

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân do thực trạng sản xuất kinh doanh manh mún, thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất chăn nuôi… Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật sơ hở, chồng chéo. Bộ máy triển khai chưa hiệu quả giữa 3 ngành y tế, nông nghiệp và công thương.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, việc đánh giá hiệu quả của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM 6 năm qua dựa trên nhiều tiêu chí. Thứ nhất, tăng cường thanh kiểm tra, tăng mức xử phạt có tính răn đe hơn, hệ thống các đội an toàn thực phẩm theo khu vực đã phát huy vai trò. Thứ hai, phòng chống ngộ độc, giảm ngộ độc thực thực phẩm cả về số vụ và quy mô. Thứ ba, tăng số lượng chuỗi thực phẩm an toàn, đạt chuẩn, truy xuất nguồn gốc. Thứ tư, giám sát chất lượng thực phẩm bằng việc tăng số lượng mẫu kiểm nghiệm và giảm lượng mẫu không đạt.

Kiến nghị thành lập Sở An toàn thực phẩm

Sau 6 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiến nghị cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành tại Quyết định số 2349 ngày 5.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ban trong công tác xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.

Thành lập cơ quan thanh tra về an toàn thực phẩm để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Thành lập mạng lưới các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận - huyện, chợ đầu mối trực thuộc Sở An toàn thực phẩm, có chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát an toàn thực phẩm, thanh kiểm tra xử lý vi phạm.

Kiến nghị thành lập Sở An toàn thực phẩm được một số ban ngành tại TP.HCM hưởng ứng.

Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm

Trong 6 năm, từ năm 2017 đến tháng 6.2022, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong. Trong đó, có 8 vụ do tác nhân vi sinh vật, 3 vụ do tác nhân hóa, lý, 1 vụ do tác nhân độc tố. So với giai đoạn 2014 - 2016, xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.235 người mắc và 0 ca tử vong.

Trong 6 năm, các đoàn thanh kiểm tra cả 3 cấp của TP đã thanh kiểm tra 327.554 cơ sở, phát hiện vi phạm 36.953 cơ sở (tỷ lệ 11,3%), xử phạt 7.225 cơ sở với tổng số tiền phạt 153 tỷ đồng (trung bình 21,18 triệu đồng/cơ sở).

Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã tiếp nhận tổng số 9.648 cuộc gọi về thủ tục hành chính và phản ánh về an toàn thực phẩm; 117 đơn phản ánh, kiến nghị về sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn và được xử lý kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.