TP.HCM tăng công chức xuống phường, xã đông dân

03/05/2022 05:53 GMT+7

Việc luân chuyển, tăng cường công chức cho các phường, xã đông dân ở TP.HCM là cần thiết nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về căn cơ vẫn phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết hồ sơ.

Những ngày cuối tháng 4.2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu làm hồ sơ hành chính của người dân gia tăng đáng kể, nhất là ở các phường, xã khu vực ngoại thành.

Cuối giờ chiều nhưng vẫn đông người dân đến làm thủ tục hành chính tại xã Vĩnh Lộc A

Trần Xuân Khánh

Tất bật đến tối còn chưa hết việc

Bên trong khu vực tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh, TP.HCM), khá đông người dân xếp hàng chờ làm thủ tục hành chính.

Đến làm thủ tục sao y bản chính từ sớm, bà Nguyễn Thị Viễn (65 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B) khá hài lòng khi giấy tờ của mình được xử lý chưa tới 10 phút. Dù vậy, bà cho biết nhiều lần chứng kiến cảnh người dân đến làm thủ tục rất đông, đứng tràn ra ngoài sảnh. “Nhiều lúc thấy hàng dài người ngồi chờ nên đành phải chịu chứ biết sao”, bà Viễn nói và nhận xét các công chức đã cố gắng giải quyết hồ sơ nên cũng thông cảm.

Tương tự, tại xã Vĩnh Lộc A, 4 nhân viên bộ phận tiếp nhận luôn tất bật nhận hồ sơ, tư vấn cho hàng chục người dân đang hỏi đủ thứ chuyện về đất đai, nhà cửa, hộ tịch, chứng thực... Ngỏ ý “xin” 5 phút để trao đổi về công việc hằng ngày, một công chức hẹn “lúc vơi bớt người dân sẽ tranh thủ”, nhưng chúng tôi phải chờ hơn 3 tiếng sau mới có thể nói chuyện.

“Lúc nào cũng đông như vậy, bắt đầu giờ làm là không thể rời khỏi vị trí, ngước lên ngước xuống là thấy hết giờ hành chính rồi mà người dân vẫn còn đông, phải ráng làm cho xong để người dân còn về. Vào mùa cao điểm, người dân ngồi chờ kín phòng chờ”, một công chức chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Thị Như An (công chức hộ tịch tại xã Vĩnh Lộc A), trước đây có 2 người cùng tiếp nhận, xử lý hồ sơ, nhưng đến nay chỉ còn một người nên khối lượng công việc tăng gấp đôi. Chị thường xuyên phải làm thêm giờ.

“Người dân phàn nàn, chúng tôi cũng rất áp lực, vì khối lượng công việc nhiều mà nhân lực lại ít. Nhiều người cứ nghĩ rằng việc sao y bản chính chỉ cần xem rồi đóng dấu là xong, nhưng đâu biết rằng phải xử lý theo quy trình tiếp nhận, đóng dấu rồi nhập dữ liệu”, chị An nói.

Không chỉ vậy, những ngày cuối tuần chị An còn đến tận nhà một số người dân sức khỏe yếu, đi lại khó khăn để hỗ trợ chứng thực chữ ký, giúp người dân tiết kiệm chi phí chứng thực ở các phòng công chứng. Cũng vì thời gian dành cho công việc hằng ngày khá lớn, nên chị An không có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Chưa kể, trong suy nghĩ của nhiều người, công việc nhà nước là “đi trễ về sớm” chứ không phải tối mịt mới về. Nhiều nhân viên không chịu nổi áp lực công việc đã nghĩ đến chuyện đổi nghề.

Làm thêm ngoài giờ

Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B là 2 xã điển hình của TP.HCM về đặc thù dân số đông tương đương một quận, huyện ở tỉnh khác nhưng số lượng công chức không khác gì một xã ít dân.

Bà Dương Thị Thùy Trang, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho rằng hiện dân số của xã đã hơn 164.000 người, trong đó đa số là tạm trú. Dân số đông như vậy nhưng bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ chỉ có 4 người, gồm 2 biên chế địa chính và hộ tịch, 2 người còn lại do xã cân đối ký hợp đồng khoán việc.

Theo bà Trang, cả 4 nhân viên thường phải hoạt động hết công suất, còn bản thân bà phải ký nhiều hồ sơ nên cũng không còn thời gian giải quyết các việc khác hay đọc các văn bản chuyên môn. “Thời gian xử lý công việc giống nhau, số lượng cán bộ như nhau, nên tốc độ xử lý công việc của xã đông dân khó tương đồng như xã ít dân”, bà Trang so sánh.

Về giải pháp, bà Trang cho biết đã kiến nghị cấp có thẩm quyền phân bổ nhân lực theo hướng phù hợp với số dân sinh sống. Còn trước mắt, từ đầu tháng 3.2022, xã tổ chức thêm 2 buổi làm việc ngoài giờ hành chính mỗi tuần, vào mỗi chiều thứ ba và thứ năm từ 17 giờ đến 18 giờ 30 để giải quyết nhu cầu của người dân.

Từ thực tế địa phương, bà Trần Thị Thái Nguyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, nhìn nhận cường độ làm việc của công chức xã này cao hơn 50% so với mức bình quân chung tại TP.HCM. Áp lực trong quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã trên một số lĩnh vực quá lớn dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Vị chủ tịch xã này đánh giá dù khối lượng công việc gấp 2 - 3 lần so với trước nhưng không có hiện tượng ùn ứ hồ sơ, xã vẫn đảm bảo giải quyết đúng tiến độ.

Cân đối nhân lực, ưu tiên tuyến xã

Câu chuyện dân số đông, nhưng thiếu nhân sự được nhiều chủ tịch phường, xã, thị trấn phản ánh trong các buổi gặp gỡ, đối thoại với Chủ tịch UBND TP.HCM.

Để tháo gỡ bất cập này, UBND TP.HCM đã giao Sở Nội vụ lập đề án tổ chức bộ máy và biên chế đối với các phường, xã đông dân. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết quy định về chức năng, nhiệm vụ của xã, phường nhìn chung là giống nhau, nhưng trên thực tế đặc điểm dân cư, điều kiện phát triển của một số địa phương cao hơn bình thường. Như xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh), công chức phải làm việc đến tận 19 - 20 giờ giải quyết công việc hành chính, không còn thời gian đi thực tế xuống từng ấp để nắm tình hình.

Ông Hoan đánh giá đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trật tự đô thị, phát triển nhà ở không theo quy định, sai quy hoạch ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Sở Nội vụ đang khảo sát, lắng nghe các phường, xã cần thêm những gì, tăng cường thêm mảng nào, công chức làm việc gì… để TP.HCM đề xuất bổ sung biên chế. “Nơi nào cần phải bổ sung thì điều chuyển, nơi nào dân số thấp, khối lượng công việc ít thì cũng sẽ tính toán lại, cân đối cho phù hợp hơn”, ông Hoan nói và cho biết TP.HCM cũng rà soát, điều chỉnh lại công chức ở một số ngành, lĩnh vực để phân bổ về phường, xã.

Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho biết thành phố là một siêu đô thị với dân số tại nhiều phường, xã tương đương 1 huyện ở các tỉnh. Điều này dẫn đến việc xử lý hồ sơ, phục vụ người dân với khung biên chế công chức theo quy định của Chính phủ sẽ rất khó khăn. Nhiều khảo sát cho thấy khối lượng hồ sơ bình quân của công chức ở những nơi này gấp nhiều lần so với các phường, xã ở tỉnh, thành phố khác. Do đó, việc tăng công chức cho các xã, phường đông dân là cần thiết.

Ông Đức nhìn nhận việc điều tiết biên chế dôi dư từ các địa phương sắp xếp đơn vị hành chính đến công tác tại các nơi thiếu, hoặc luân chuyển công chức từ các phòng ban của quận xuống phường, xã sẽ giúp TP.HCM không tăng tổng biên chế.

Bình luận về đề án trên, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng việc chuyển cán bộ, công chức ở những nơi ít việc xuống những nơi nhiều việc, đông dân là phù hợp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cũng chỉ mang tính tình thế, còn về căn cơ vẫn phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết hồ sơ; trong đó cần sớm đào tạo về chuyển đổi số, cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý.

Cần con người hơn là thêm bộ máy

Về ý tưởng tách xã diện tích rộng và đông dân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng không nên tính đến chuyện chia tách đơn vị hành chính, mà nếu cần thiết thì sáp nhập sẽ thuận lợi hơn.

“Mình cần con người để làm việc hơn là làm cho bộ máy cồng kềnh ra. Thêm một hai người vẫn tốt hơn là tạo ra bộ máy với vài chục con người”, ông Hoan phân tích. Mặt khác, việc sáp nhập đơn vị hành chính cũng ít vướng về quy định hơn là chia tách, qua đó nhận được sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền và người dân hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.