TP.HCM thi tuyển lãnh đạo, tìm kiếm người tài

16/10/2022 06:36 GMT+7

Tìm người giỏi chuyên môn vào làm việc ở lĩnh vực công là hướng đi đúng của TP.HCM nhưng nếu thiếu sự đổi mới, đột phá trong tư duy thì dễ đi vào vết xe cũ.

Tháng 5.2017, Bộ Nội vụ có văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng tại 14 bộ, ngành và 22 địa phương. Tuy nhiên, kết quả thí điểm chưa tạo ra được điểm nhấn, đột phá trong công tác cán bộ. Số lượng nhân sự tham gia dự thi cho mỗi chức danh chưa nhiều, chủ yếu là những người trong quy hoạch, chưa phát huy tốt yếu tố nhân sự bên ngoài, nhân sự được phát hiện, giới thiệu thêm nên tính cạnh tranh trong thi tuyển chưa cao.

Công chức làm việc tại bộ phận một cửa Văn phòng UBND Q.Phú Nhuận, TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Đáng chú ý, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý theo đề án của Bộ Nội vụ tại TP.HCM giậm chân tại chỗ trong một thời gian dài. Mãi đến cuối tháng 9.2022, UBND TP.HCM mới có kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Một lãnh đạo TP.HCM có trách nhiệm cho biết việc chậm thi tuyển do TP.HCM muốn làm đề án lớn cho toàn hệ thống chính trị, bao gồm cả khối Đảng, đoàn thể, HĐND và chính quyền. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn và tính chất mới mẻ nên tiến độ chưa đạt yêu cầu, và TP.HCM bị phê bình vì triển khai chậm.

Thi tuyển và quy hoạch “chọi nhau”

Dự kiến, trong tháng 10.2022, TP.HCM thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại 6 đơn vị: Ban An toàn giao thông, Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở Công thương, Viện Nghiên cứu phát triển và UBND H.Hóc Môn trước khi thi tuyển cấp sở, cấp huyện và tương đương vào năm sau. Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP thận trọng thí điểm từng bước vì còn nhiều vấn đề chưa thể lường hết, nhất là khi thi tuyển với quy hoạch bổ nhiệm là 2 phương pháp “chọi nhau”, bây giờ kết hợp lại như thế nào phải được cân nhắc. Chưa kể, các tình huống đặt ra như thi tuyển mà trong quy hoạch thì như thế nào, không nằm trong quy hoạch có thi tuyển được không, công chức giữa sở này với sở khác có thi tuyển qua lại được không, tính ưu tiên, tính cá biệt sẽ được tính toán như thế nào…

Ông Hoan cho rằng từng cơ quan tại TP.HCM phải chủ động mở rộng phương thức thi tuyển để từng bước thực hiện bài bản, lớp lang, thành quy trình chung. Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định công chức thuộc diện quy hoạch không vì thi tuyển mà tâm tư bởi nếu được quy hoạch thì người đó cũng phải chứng minh bản thân am hiểu lĩnh vực chuyên môn, có đề án, trình bày đề án trước hội đồng gắn với công việc, biến một phòng ì ạch thành phòng năng động.

Theo đề án của TP.HCM, người đăng ký thi tuyển có thể là nhân sự tại chỗ, từ nơi khác đến hoặc được đề cử. Do thi tuyển vào vị trí lãnh đạo, quản lý đơn vị nên hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ, lý lịch rõ ràng mới tổ chức thi tuyển. Ứng viên trải qua 2 vòng thi, vòng 1 thi viết về kiến thức chung, vòng 2 thi trình bày đề án đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng, đề xuất giải pháp cùng các kỹ năng về trình bày, giao tiếp, giải quyết tình huống…

Việc thi tuyển lãnh đạo ở TP.HCM được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới trong nỗ lực tìm kiếm người giỏi chuyên môn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có sự đột phá thì dễ rơi vào hình thức, hợp thức hóa vị trí được quy hoạch.

Thu hút chuyên gia không chỉ bằng thu nhập

Cũng tại TP.HCM, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học cho khu vực công được triển khai 8 năm qua nhưng số lượng người làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau hơn 3 năm, TP.HCM chỉ ký hợp đồng với một chuyên gia, và cũng là người đã gắn bó nhiều năm trước. TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, chỉ ra nhiều bất cập như thu nhập không tương xứng, quy trình phức tạp, vị trí thu hút không phù hợp thực tiễn…

Theo ông Dũng, thí điểm từ 2014 - 2017, chính sách của TP.HCM cho phép trả 150 triệu đồng cho chuyên gia nhưng thực tế chưa bao giờ trả đến số đó mà chỉ tầm 30 - 40 triệu đồng; dù vậy, vẫn có rất nhiều nhà khoa học tham gia giải quyết các vấn đề cho TP. Điều đó cho thấy thu nhập không phải vấn đề chính mà phải xây dựng môi trường nghiên cứu, cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, hợp tác để tạo ra hệ sinh thái mở của khu vực công. Việc trả thù lao cũng cần sòng phẳng, nên có cơ chế trả theo sản phẩm cụ thể.

Chưa kể, chính sách thu hút chuyên gia mới của TP.HCM lại quên những chuyên gia đang làm việc tại chỗ. Ngoài ra còn các bất cập như những vấn đề đặt hàng của TP.HCM dường như chưa hệ thống, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa được chuẩn bị chu đáo; kênh đặt hàng nhiệm vụ khoa học và kênh mời gọi chuyên gia còn tản mạn; chưa có cơ chế phát huy vai trò các tổ chức hiện có như hội đồng khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn.

Ông Dũng cho rằng TP.HCM có thể tham khảo kinh nghiệm xu thế của nhiều quốc gia và TP đang chuyển sang đó là xây dựng mô hình chính quyền mở nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp cùng giải quyết các vấn đề của chính quyền. Ở đó, chính quyền chuẩn bị rất kỹ vấn đề của mình đang đối mặt, từ thông tin đến nguồn lực thực hiện và mời cộng đồng tham gia để tìm giải pháp tối ưu. Điểm mấu chốt là chính quyền phải cùng tham gia từ khâu tìm giải pháp đến lúc triển khai chứ không phải cứ đưa ra đề bài rồi để mặc chuyên gia “tự bơi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.