TP.HCM áp dụng phương châm '3 không' trong 12 ngày cao điểm chống dịch Covid-19

30/06/2021 16:09 GMT+7

TP.HCM áp dụng phương châm '3 không' trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19 gồm: không nói không có cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.

UBND TP.HCM vừa ban hành tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn từ ngày 29.6 đến ngày 10.7 với 9 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất là về tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, TP.HCM yêu cầu việc áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội cần xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính; kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo; phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng trong giám sát việc thực hiện.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình diễn biến dịch trên địa bàn quản lý để điều chỉnh mức độ nguy cơ và có các giải pháp chỉ đạo phù hợp.

Ngày 30.6: Dịch bệnh ở TP.HCM tiếp tục nóng bỏng với 249 ca Covid-19

Thứ hai là năng lực xét nghiệm, TP.HCM cho hay sẽ tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân, người lao động tại tất cả 22 quận huyện và TP.Thủ Đức, trong đó tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm. Công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm phải tuân thủ các quy định, đúng quy trình, kỹ thuật.

TP.HCM sẽ lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong vòng 10 ngày

Ảnh: Độc Lập

Tổ chức triển khai tự test nhanh Covid-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần.
Thứ 3 là tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao, siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
TP.HCM thành lập Bộ phận kiểm tra, giám sát phòng chống dịch Covid-19 thành phố và 100 đoàn kiểm tra hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch cho các doanh nghiệp. Đồng thời hướng dẫn 22 doanh nghiệp với 25.000 lao động để tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất theo đề xuất của Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp.
Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiêm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện nghiêm ngặt, phòng hộ đầy đủ cho nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh.

Bệnh nhân Covid-19 trốn viện tại TP.HCM có biểu hiện bệnh lý tâm thần

Mở rộng khu cách ly tập trung

Thứ 4 là rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch khảo sát, mở rộng các khu cách ly tập trung, đáp ứng nhu cầu khi có số lượng các ca F1 tăng nhanh. TP.HCM không tiếp tục sử dụng trường học làm nơi cách ly tập trung, vận động khách sạn đủ điều kiện tổ chức cách ly F1 có nhu cầu trả phí, thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ 5 là tăng cường năng lực điều trị, chủ động các phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống có 10.000 ca nhiễm. Rà soát, thống kê lượng ô xy dự trữ, trang thiết bị y tế và mua sắm bổ sung một số trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị Covid-19.
Thứ 6 là chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, UBND TP.HCM giao Tổ Công tác đàm phán và mua vắc xin khẩn trương làm việc với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất vắc xin để đẩy nhanh tiến độ mua và nhập khẩu vắc xin, chậm nhất trong cuối quý 3/2021 phải tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình và thời gian tiêm vắc xin cho người dân TP; phấn đấu đến cuối năm 2021, có 2/3 người dân thành phố được tiêm vắc xin.

TP.HCM đặt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho 2/3 dân số trong năm 2021

Ảnh: Độc Lập

Thứ 7 là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thành lập Trung tâm phân tích dữ liệu, thực hiện nhiệm vụ kết nối, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, mở rộng hệ thống camera giám sát lắp đặt tại 46 khu cách ly tập trung và một số điểm tiêm chủng trên địa bàn TP; tổ chức khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR…

Bản tin Covid-19 ngày 30.6: Thêm 450 bệnh nhân mới, dịch bệnh đã len vào nơi xung yếu

Thứ 8 là tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 19.6 của UBND TP.HCM, trong đó tập trung vào các siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống; cương quyết đóng cửa tạm thời đối với các chợ đầu mối và chợ truyền thống không đảm bảo an toàn theo các quy định. Ngoài ra, kiểm tra việc không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Cuối cùng là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân để tạo sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn cùng thành phố cũng như những nỗ lực, kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
TP.HCM xác định phương châm của đợt cao điểm chống dịch Covid-19 này là “3 không”: không nói không có cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.